Bắt ốc...trên núi
Không sinh sống ở ao chuôm, sông suối ngập nước, loài ốc lạ này lại có nhiều ở những cánh rừng nguyên sinh Tây Yên Tử (Bắc Giang) nên người dân bản địa gọi là ốc núi. Hiện nay, ốc núi được coi như sản vật của núi rừng. Những năm gần đây, một số người dân ở huyện vùng cao Sơn Động (Bắc Giang) thường đi bắt ốc để có thêm thu nhập.
Đi tìm lộc trời
Trong một lần lên huyện vùng cao Sơn Động, tôi được nghe nói về loài ốc sinh sống trong lớp đất, đá thường chỉ xuất hiện theo mùa. Thế nhưng phải đợi khi có trận mưa lớn sau đợt nắng nóng kéo dài, tôi mới có dịp cùng cậu thanh niên Nguyễn Văn Hải, thị trấn Tây Yên Tử lên núi… bắt ốc.
Sáng sớm, khi tôi đến nơi, Hải đã chuẩn bị sẵn những vật dụng đi rừng gồm chiếc rổ nhựa, bao dứa, chai nước, dao quắm. Ngoài ra còn có chiếc gậy cho tôi, đề phòng trượt chân do đường trơn. Qua chốt kiểm soát, Hải khoát tay về phía khu rừng nguyên sinh nói: “Khu này em từng lên nhiều lần, núi không quá cao chị có thể leo được”.
Dựng xe máy ở chân núi, buộc chặt dây giày và trùm áo chống nắng kín đầu để tránh cây lá cào vào mặt, chúng tôi đi sâu vào rừng. Mùa này, cây cối xanh tốt, rậm rạp, nhiều chỗ gai góc, thực bì dày đặc khiến chúng tôi phải cúi thấp người mới len qua được. Đi chừng 2 km, Hải nói đã đến nơi ốc trú ngụ.
Tại đây, tầng mùn dày làm cho bước chân êm hơn thay vì tiếng sột soạt giẫm lên cỏ lá. Những tảng đá rêu phong ẩm thấp làm cho chúng càng thêm trơn trượt. Trận mưa đêm hôm trước đã tạo ra một số mạch nước nhỏ chảy róc rách trong không gian yên tĩnh. Mỗi khi có gió, nước đọng ở cành lá văng ra thấm đẫm áo quần khách bộ hành. Thấy hơi người, muỗi rừng vây xung quanh, vắt cũng ngo ngoe bật tanh tách khiến tôi rùng mình, ngần ngại.
Ốc núi trở thành một sản phẩm du lịch mà du khách đến Sơn Động thường khám phá. Họ muốn tìm kiếm, được tự tay cầm nắm, bắt những con ốc to, món quà thiên nhiên ưu đãi cho nơi này...”
Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng An Lạc Vũ Ngọc Huân
Tiếp tục men theo những phiến đá lởm chởm, Hải bảo tôi nhìn kỹ sẽ thấy ốc. Quả thật, ngay sau đó tôi bắt được vài con ốc to bằng cái chén uống trà đang nằm, bò. Nếu không để ý rất khó nhận ra vì vỏ ốc cứng, màu gần giống lá mục. Ốc có dạng dẹt, to ngang, vỏ có sọc trắng, xám xen kẽ, viền quanh miệng ốc màu đỏ hoặc trắng, khác biệt so với ốc sinh sống dưới nước.
Thật may khi chúng tôi đến đúng “lãnh địa” của ốc. Quen mắt, chúng tôi bắt đầu bắt được nhiều ốc hơn. Mải miết ngược lên khe nước nhỏ gom ốc cho đến tầm giữa trưa, trên trời tiếng sấm ì ầm báo hiệu sắp có trận mưa lớn, chúng tôi quyết định xuống núi. Với khoảng 3 kg ốc thu được, Hải ước tính với giá bán thời điểm này 50 nghìn đồng/kg, một buổi sáng leo núi cũng kiếm được 150 nghìn đồng.
Hải còn khoe, có ngày “xôm” lắm, ốc túm tụm lại, anh và nhóm bạn vơ được từng nắm, thu về vài chục kg, tiền bán ốc lên đến cả triệu đồng chỉ trong buổi sáng. Bởi vậy, người dân trong vùng đều coi ốc núi là lộc trời ban khi vừa tạo nguồn thức ăn sẵn có, vừa mang lại thu nhập.
Vị thuốc quý
Trong câu chuyện trên đường xuống núi, Hải cho biết, người dân trong vùng thường đi rừng bắt ốc thành từng tốp vài ba người để hỗ trợ nhau, đề phòng khi chẳng may chân trượt ngã hoặc bị rắn rết cắn và những rủi ro khác. Nắm bắt đặc tính ốc núi thường bò ra ngoài sau thời điểm trời nắng to gặp mưa để kiếm ăn và sinh sản, Hải cũng như người dân nơi đây tranh thủ đi săn ốc về làm thức ăn hoặc bán. Hiện, nhu cầu đối với loại thực phẩm này lớn nên ốc có bao nhiêu cũng bán hết cho vài đầu mối thu gom trong huyện.
Năm nay ngoài 30 tuổi nhưng Hải có đến gần 20 năm đi rừng. Từ năm 10 tuổi, Hải đã theo bố mẹ lên rừng kiếm củi, hái măng. Thế nên, không một khoảnh rừng hay mỏm đá nào quanh đây là Hải không đặt chân tới. Hải nói, từng nghe các cụ kể từ xa xưa người dân đã bắt ốc nướng và ăn chống đói tại chỗ mỗi khi vào rừng mưu sinh nhưng gần đây mới biết gom, mang bán như một thứ hàng hóa. Đối với người dân bản địa, ốc núi không chỉ làm thức ăn mà được coi như một vị thuốc quý.
Tiện đường, Hải dẫn tôi gặp anh Thân Văn Hiền, tổ dân phố Đồng Rì, thị trấn Tây Yên Tử, người hành nghề thuốc nam gia truyền tại địa phương. Anh Hiền thường xuyên đi rừng hái cây thuốc nên nắm rõ về công dụng của nhiều loài động, thực vật trong đó có ốc núi. Theo anh Hiền, ốc núi chủ yếu ăn lá cây rừng và món khoái khẩu là cây thuốc lá vai. Thuở xưa, trong lúc tân dược khó mua, người dân dùng ốc để chữa chứng mờ mắt hay mắt bị kéo màng bằng cách đốt ốc núi cháy thành tro, pha loãng, lọc lấy nước để tra mắt, rửa mặt. Ngoài ra còn dùng ốc để chữa một số bệnh về đường ruột.
Do chưa ai từng thấy ổ trứng ốc nên mọi người đoán rằng loài ốc này đẻ con chứ không đẻ trứng như loài ốc thông thường. Điều đặc biệt là hết mùa mưa hoặc khi chớm xuất hiện gió heo may là ốc núi gần như mất dấu. Mùa đông hay nắng nóng bắt ốc này rất khó vì chúng ẩn sâu từ 5-10 cm trong đất, đá. Những người có kinh nghiệm đi rừng vẫn có thể kiếm được ốc nhưng phải chịu khó soi vào ban đêm và lượng ốc thu được không nhiều. Nếu mưa liên tục khi tiết trời giá lạnh, ốc ngoi lên mặt đất trong khoảng thời gian rất ngắn để lấy ô-xy rồi lặn mất hút.
Giữ rừng, bảo tồn sản vật
Chủ yếu ăn sương, lá cây nên ốc núi khá sạch giúp việc sơ chế đơn giản, ngâm ốc xâm xấp trong nước chừng nửa giờ có thể chế biến. Theo chị Nguyễn Thị Lan, xã An Lạc (Sơn Động), người chuyên gom ốc núi cung cấp cho các điểm cân trong huyện và một số địa bàn lân cận, ốc vốn sống trên cạn nên khi bắt về có thể để cả tuần mà không lo bị hỏng. Chỉ cần cho ốc vào chậu hay bể khô rồi thả cơm nguội, hoa quả tươi chúng đều ăn và sống khỏe, không bị hao hụt.
Qua tìm hiểu được biết, hiện ốc núi đã trở thành món ăn hấp dẫn du khách khi đến vãn cảnh vùng cao Sơn Động. Ốc được chế biến thành các món như hấp, nộm, luộc, chiên, nướng, xào măng, nấu chuối đậu… tùy theo nhu cầu của khách. Ốc núi rất giòn, béo, khách được thưởng thức món ốc này một lần sẽ nhớ mãi vì thơm ngon khó tả, mang hương vị rất riêng của núi rừng Yên Tử.
Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng An Lạc Vũ Ngọc Huân cho biết, đây là một trong những món ăn luôn được khách ưu tiên lựa chọn trong thực đơn của HTX song rất tiếc không phải lúc nào cũng có. Không chỉ ăn tại quán, khách còn đặt ốc mang về làm quà.
“Ốc núi trở thành sản phẩm du lịch mà du khách đến Sơn Động muốn khám phá. Họ muốn tìm kiếm, được tự tay cầm nắm, bắt những con ốc to, món quà thiên nhiên ưu đãi cho nơi này. Tuy vậy, việc bắt ốc khó khăn, ngay cả người dân trong bản cũng không dễ dàng thực hiện. Vì vậy, khi khách có nhu cầu chiêm ngưỡng phải báo trước, thấy thời tiết phù hợp, khả năng cao xuất hiện ốc, HTX sẽ liên hệ với khách để bố trí, sắp xếp cùng trải nghiệm săn ốc núi”- anh Huân chia sẻ.
Theo người dân bản địa, ốc núi đang dần ít đi bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, người đi săn tìm ngày càng nhiều. Để gìn giữ, bảo tồn sản vật này, chính quyền và người dân địa phương đang chung tay bảo vệ rừng tự nhiên; không khai thác tận diệt, bắt ốc bằng phương pháp thủ công. Nhiều người mong muốn ngành nông nghiệp có thể nghiên cứu, nhân nuôi ốc núi để từng bước phát triển mô hình kinh tế, có khả năng cung ứng sản phẩm quanh năm, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân.