Biến động nhân sự cấp cao, PVI có Tổng Giám đốc mới

09/08/2024 11:20 GMT+7
Hội đồng quản trị Bảo hiểm PVI vừa công bố quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc PVI đối với ông Nguyễn Xuân Hòa. Đồng thời, PVI bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Tú thay thế vị trí này.

Hội đồng quản trị Bảo hiểm PVI vừa công bố quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc PVI đối với ông Nguyễn Xuân Hòa để đảm nhận nhiệm vụ khác theo sự điều động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Đơn vị công tác mới của ông Hòa là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Phú Mỹ (Đạm Phú Mỹ) giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ông Nguyễn Xuân Hòa - hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đạm Phú Mỹ

Ông Nguyễn Xuân Hòa sinh năm 1972, quê quán tại Hải Dương, công tác trong ngành dầu khí từ năm 1994, bắt đầu công việc tại PV Gas. Lãnh đạo PVI đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Phó Tổng giám đốc kiêm Uỷ viên HĐTV PV Gas, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PV Power, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tại PVI, từ ngày 29/3/2019 đến ngày 16/1/2020, ông Hòa nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Từ 2020, ông làm Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT và bắt đầu kiêm vị trí Tổng Giám đốc từ năm 2021 tới nay đồng thời là người đại diện phần vốn góp của PVN tại doanh nghiệp này. Với việc nắm gần 82 triệu cổ phiếu, PVN đang nắm giữ 35% vốn tại PVI.

Cùng ngày, PVI bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Tú giữ vị trí Tổng giám đốc PVI, thay thế ông Hòa sau khi ông thuyên chuyển công tác.

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Tuấn Tú sinh ngày 30/3/1972, có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Ông Tú là thành viên Ban Điều hành Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil - UPCoM: OIL). Trước khi công tác tại PVI, ông Nguyễn Tuấn Tú đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc PVOil.

Ông Nguyễn Tuấn Tú - Tân Tổng Giám đốc PVI

Biến động lãnh đạo cấp cao tại PVI diễn ra trong bối cảnh cổ đông lớn ngoại là nhóm IFC và 2 thành viên gồm IFC Financial Institutions Growth Fund (Quỹ Tăng trưởng hướng tới các định chế tài chính IFC) và IFC Emerging Asia Fund (Quỹ châu Á Mới nổi IFC) cùng đăng ký bán số lượng 3 triệu cổ phiếu PVI. Như vậy, nhóm quỹ ngoại này thông báo đăng ký bán 9 triệu cổ phiếu PVI trong thời gian từ 26/6-25/7/2024 và sẽ rời ghế cổ đông lớn.

Tuy nhiên, nhóm IFC chỉ bán được gần 8 triệu cổ phiếu. Lý do không bán hết cổ phiếu PVI đã đăng ký được IFC đưa ra “do điều kiện thị trường không thuận lợi”.

Tạm tính theo giá PVI đóng cửa phiên 25/7, IFC có thể thu về khoảng 406 tỷ đồng sau khi rời ghế cổ đông lớn PVI với tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 2,63%, tương ứng hơn 6 triệu cổ phiếu.

Ở chiều ngược lại, khi nhóm IFC đăng ký bán ra để rời ghế cổ đông lớn thì HDI Global SE báo cáo đã mua 4,98 triệu cổ phiếu PVI trong tổng số 7 triệu cổ phiếu đăng ký. Thời gian thực hiện giao dịch trong 2 ngày 18/7 và 24/7 với giá trị thương vụ ước tính hơn 262 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, HDI Global SE tiếp tục đăng ký mua thêm 3,12 triệu cổ phiếu PVI trong thời gian từ 8/8-5/9, dự kiến tăng tỷ lệ sở hữu lên trên ngưỡng 42%.

Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch sáng ngày 9/8, giá cổ phiếu PVI giảm 0,38% so với phiên giao dịch liền kề, hiện đang ở mức 51.800 đồng/cổ phiếu.


Phương Thảo
Cùng chuyên mục