Biên lợi nhuận gộp Vinamilk (VNM) về mức thấp nhất 5 năm, lãi giảm 5% đạt 10.600 tỷ đồng

30/01/2022 08:12 GMT+7
Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk (VNM) giảm từ 46,2% về 42,5%, tiếp tục giảm so với quý III/2021 và về mức thấp nhất trong 5 năm.

Vinamilk: Doanh thu tăng trưởng nhanh, biên lợi nhuận gộp về mức thấp nhất 5 năm

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) vừa công bố BCTC hợp nhất quý IV/2021. Cụ thể doanh thu đạt 15.819 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng theo quý nhanh nhất trong gần 5 năm qua.

Giá vốn tăng cao hơn nên lợi nhuận gộp tương đương cùng kỳ đạt 6.725 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 46,2% về 42,5%, tiếp tục giảm so với quý III/2021 và về mức thấp nhất trong 5 năm.

Chi phí quản lý doanh nghiệp của VNM đã giảm được 43% trong quý này còn 417 tỷ, nhưng chi phí tài chính lại tăng 38% lên 90 tỷ, chi phí bán hàng tăng 3% lên 3.871 tỷ.

Hoạt động khác có lãi 49 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 27 tỷ đồng. 

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý IV đạt 2.213 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (2.236 tỷ).

Biên lợi nhuận gộp Vinamilk  - Ảnh 1.

Nguồn báo cáo tài chính của VNM.

Thị trường nội địa ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.020 tỷ đồng trong quý, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu nội địa công ty mẹ đạt 11.674 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ nhờ hệ thống phân phối và sức mua phục hồi sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ tại các thành phố lớn.

Thị phần cả về giá trị và sản lượng của Vinamilk tại thời điểm cuối năm 2021 đã có sự cải thiện so với năm trước.

Thị trường xuất khẩu trực tiếp ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng trong quý IV đến từ thị trường Trung Đông và châu Phi nhờ nhu cầu đối với sản phẩm sữa phục hồi.

Bên cạnh đó, Vinamilk đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm cho liên doanh tại Philippines từ cuối quý III với kết quả ban đầu là khả quan. Trong năm 2021, Vinamilk đã phát triển thêm hai thị trường xuất khẩu mới và nâng tổng số thị trường xuất khẩu lũy kế lên 57.

Các chi nhánh nước ngoài ghi nhận doanh thu thuần đạt 998 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó, Driftwood đạt mức tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ nhờ doanh thu kênh trường học tiếp tục phục hồi và Angkormilk đạt mức tăng trưởng trên 40% so với cùng kỳ nhờ hoạt động phân phối hiệu quả.

Cả năm, doanh nghiệp sữa chiếm thị phần quá bán tại Việt Nam ghi nhận doanh thu tăng 2,2% đạt 60.919 tỷ đồng; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 5% xuống 10.532 tỷ đồng. Vinamilk thực hiện 97% kế hoạch doanh thu và 94,6% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tại thời điểm cuối năm, Vinamilk có 21.026 tỷ đồng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, tăng thêm 3.712 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản phải thu duy trì tương đương và hàng tồn kho tăng từ 4.905 tỷ đồng lên 6.773 tỷ đồng.

Đồng thời, khoản vay ngắn hạn cũng tăng từ 7.216 tỷ đồng lên 9.382 tỷ đồng trong khi vay dài hạn giảm từ 167 tỷ về 76 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối kỳ, doanh nghiệp sữa ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 7.594 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 4.352 tỷ đồng, vốn cổ phần 20.899 tỷ đồng.

Nguyên liệu sữa nhập khẩu chiếm 65% nguyên liệu đầu vào của Vinamilk

Trên NDH thông tin, SSI Researh cho rằng kết quả kinh doanh Vinamilk kém khả quan do nhu cầu tiêu thụ sữa yếu và giá nguyên liệu sữa tăng mạnh. Dịch bệnh khiến thu nhập của người tiêu dùng giảm, qua đó giảm tiêu thụ. Trong khi đó, sản phẩm sữa không được coi là mặt hàng ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp. Vinamilk đã là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường với mức thị phần khoảng 61% thì rất khó tăng trong bối cảnh nhu cầu yếu đi.

Nguyên liệu sữa nhập khẩu chiếm đến gần 65% tổng nguyên liệu đầu vào của Vinamilk. SSI Reseach phân tích khác với những năm trước, giá sữa thế giới chưa điều chỉnh đáng kể khi khu vực Nam bán cầu bước vào mùa thu hoạch (tháng 11 năm nay). Giá bơ và sữa duy trì ở mức cao, do nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và sản lượng tại các khu vực sản xuất sữa lớn tại Tây Âu cũng như châu Đại Dương thấp hơn dự kiến. Về triển vọng giá sữa năm 2022, trong báo cáo gần đây, Rabobank ước tính thị trường thế giới tiếp tục duy trì mức giá cao đối với mặt hàng sữa. Nhu cầu mạnh do nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng có thể sẽ bắt đầu giảm vào năm tới do tồn kho tăng và hoạt động logistic toàn cầu cải thiện, cũng như kế hoạch mở rộng đàn bò của Trung Quốc để tăng nguồn cung trong nước bắt đầu đem lại sản lượng.

SSI Research cũng kỳ vọng khi Việt Nam có tỷ lệ bao phủ vaccine cao và áp dụng biện pháp linh hoạt để kiểm soát dịch bệnh thì nhu cầu sẽ phục hồi dần dần. Theo đó, Vinamilk có thể cải thiện lợi nhuận trong năm 2022, đặc biệt là nửa đầu năm khi so sánh với mức nền thấp cùng kỳ năm trước.

Mặc khác, Vinamilk đang dần dịch chuyển sang các thị trường nước ngoài thông qua xuất khẩu và công ty con tại Mỹ, Campuchia, Philippines… VNDirect cho rằng thị trường nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu của Vinamilk trong những năm tới khi tốc độ tăng trưởng thị trường nội địa chậm lại.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm động lực tăng trưởng ở những mảng mới như liên doanh nước giải khát với Kido (HoSE: KDC) – Công ty TNHH Liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev (Vibev), trong đó Vinamilk sở hữu 51% vốn. Liên doanh đã tung các sản đầu tiên từ giữa tháng 11/2021 và đặt mục tiêu nắm giữ bị trí số 1 về thị phần ngành nước tươi với sản lượng 150 triệu chai/năm (tương đương 2.000 tỷ đồng) sau 5 năm vận hành.

Vinamilk cùng đơn vị thành viên là Vilico cũng hợp tác với Tập đoàn Sojitz để đầu tư dự án bò thịt với gần 500 triệu USD. Ở giai đoạn 1, dự án được dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023 với công suất 30.000 bò thịt/năm.

Ngoài ra, "ông lớn" ngành sữa cũng có kế hoạch đẩy mạnh bán lẻ qua chuỗi cửa hàng Giấc mơ sữa Việt. Tính đến nay, chuỗi đã có khoảng 600 cửa hàng, tăng thêm 135 cửa hàng so với cuối năm 2020.


An Vũ
Cùng chuyên mục