Myanmar có thể đã trở thành ổ dịch siêu lây nhiễm ở Đông Nam Á

01/08/2021 16:51 GMT+7
Tờ AsiaTimes gần đây cảnh báo cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 tại Myanmar đang diễn biến ngày một nghiêm trọng khi biến thể delta lây lan rộng rãi.

Myanmar hiện đang trải qua sự gia tăng chưa từng có các ca nhiễm mới Covid-19, điều mà một chuyên gia thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã nhận định là “sự lây lan không thể kiểm soát trong cộng đồng”. Cuộc khủng hoảng được thúc đẩy bởi tình hình bất ổn chính trị xã hội và sự sụp đổ của hệ thống y tế.

Các thống kê chính thức cho thấy số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày tại Myanmar hiện ở mức khoảng 6.000 ca, với khoảng 300 trường hợp tử vong. Nhưng giới chuyên gia cho rằng con số thực tế cao hơn rất nhiều. 

Với tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt 2,8% trên tổng số 54 triệu dân, ngày càng có nhiều lo ngại rằng quốc gia này có khả năng sẽ chứng kiến làn sóng dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ dẫn đến sự xuất hiện các biến thể virus mới nguy hiểm hơn, theo một cảnh báo của Liên Hợp Quốc. 

Myanmar có thể đã trở thành ổ dịch siêu lây nhiễm ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Myanmar có thể đã trở thành ổ dịch siêu lây nhiễm ở Đông Nam Á (Ảnh: AFP)

Phía Liên Hợp Quốc cho hay có nhiều yếu tố đang cùng nhau thúc đẩy cuộc khủng hoảng y tế tại Myanmar. Hàng loạt nhân viên y tế quốc gia đã đình công trong phong trào bất tuân dân sự chống lại cuộc đảo chính của chính quyền quân đội hiện tại. Oxy và các thiết bị y tế ngày càng đắt đỏ, thiếu hụt. Tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 trên toàn quốc cực kỳ thấp, với chỉ khoảng 15.000 xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày trên tổng dân số 54 triệu người. Đó là một phần lý do khiến các chuyên gia cho rằng các con số thống kê ca nhiễm tại Myanmar hiện tại không chính xác. Thêm vào đó, trong số các ca được xét nghiệm, tỷ lệ kết quả dương tính lên tới 37%. 

Các nhóm xã hội hỗ trợ hỏa táng và dịch vụ tang lễ ở Yangon cho hay họ đang chứng kiến hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày ở thành phố này. Như vậy, số ca tử vong thực tế trên toàn quốc có thể lên tới vài nghìn. 

Cuộc khủng hoảng y tế đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo tại Myanmar. Những người lao động nghèo có ít khả năng được xét nghiệm và điều trị Covid-19. Trong một báo cáo vừa công bố tuần này, Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính kinh tế Myanmar sẽ giảm tốc 18% trong năm nay do hệ quả của đại dịch và chính biến hồi tháng 2. Tỷ lệ người nghèo cũng có khả năng tăng hơn gấp đôi vào đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2019. 

Một báo cáo của AsiaTimes cho biết Myanmar đã không nhận được liều vắc xin Covid-19 nào kể từ hồi tháng 5, mặc dù Trung Quốc đã cam kết sẽ hỗ trợ 6 triệu liều vắc xin trong tháng 8 này. Lô vắc xin đầu tiên được cho là đã được chuyển đến Myanmar vào tuần trước. Do đường biên giới chung với Myanmar, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tích cực hỗ trợ vắc xin Covid-19 cho quốc gia này để tránh sự bùng phát dịch dọc biên giới chung.

Không riêng Myanmar, nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm mới Covid-19 do biến thể delta lây lan nhanh chóng. Malaysia, một trong những điểm nóng của dịch bệnh tại khu vực Đông Nam Á, đã báo cáo 17.789 ca nhiễm mới Covid-19 hôm 31/7, một con số cao kỷ lục mới. Ở Thái Lan, 18.912 ca nhiễm mới Covid-19 được ghi nhận trong ngày 31/7, qua đó nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Thái Lan từ đầu mùa dịch đến nay lên tới  597.287 trường hợp. Nước này cũng báo cáo thêm 178 trường hợp tử vong trong cùng ngày, một mức cao kỷ lục. 


NTTD
Cùng chuyên mục