Sau Indonesia, đến lượt Malaysia trở thành ổ dịch nguy hiểm nhất châu Á

30/07/2021 17:07 GMT+7
Làn sóng dịch Covid-19 hiện tại đang biến Malaysia trở thành một trong những tâm dịch đáng quan ngại nhất tại châu Á ở thời điểm này.

Dữ liệu bình quân trong 7 ngày gần nhất tính đến hết 28/7 cho thấy tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 tại Malaysia hiện đạt tới 483,72 ca/ 1 triệu dân, mức cao nhất châu Á và cao thứ 8 toàn cầu, theo Our World in Data. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 của quốc gia này cũng đạt mức cao thứ ba châu Á và thứ 19 toàn cầu, với khoảng 4,9 người tử vong/ 1 triệu dân, tính đến hết ngày 27/7 trên cơ sở bình quân 7 ngày, cũng theo Our World in Data.

Our World in Data dự án sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và tổ chức phi lợi nhuận Global Change Data Lab của Vương quốc Anh.

Sau Indonesia, đến lượt Malaysia trở thành ổ dịch nguy hiểm nhất châu Á - Ảnh 1.

Malaysia trước nguy cơ trở thành ổ dịch nguy hiểm nhất châu Á (Ảnh: Getty Images)

Dù đã thành công kiểm soát số ca nhiễm Covid-19 ở mức thấp trong phần lớn năm ngoái, nhưng quốc gia Đông Nam Á này hiện đang vật lộn với diễn biến phức tạp của làn sóng dịch bệnh mới do biến thể delta gây ra. Số ca nhiễm mới Covid-19 mỗi ngày tại Malaysia đang không ngừng tăng lên bất chấp các biện pháp hạn chế kiểm dịch chặt chẽ cũng như việc chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp.

Nhiều nhà phê bình chính trị đã đổ lỗi cho cách xử lý đại dịch của chính phủ dẫn đến tình trạng dịch bệnh bùng phát tồi tệ hơn. Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định trong một báo cáo gần đây rằng phản ứng chống dịch của Malaysia đang bị cản trở bởi chính sách hỗn loạn và sự đấu đá chính trị dai dẳng.

Sau Indonesia, đến lượt Malaysia trở thành ổ dịch nguy hiểm nhất châu Á - Ảnh 2.

Tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 trên 1 triệu dân của Malaysia cao thứ 8 toàn cầu (Ảnh: CNBC)

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị kể từ tháng 2/2020, sau khi cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad bất ngờ từ chức, tạo cơ hội cho ông Muhyiddin Yassin trở thành Thủ tướng với một liên minh chính trị mong manh.

Phe đối lập từ lâu đã phản đối tuyên bố của Thủ tướng tại nhiệm Muhyiddin về việc ông này giành được sự ủng hộ của đa số ghế trong 222 thành viên Quốc hội. Những lời kêu gọi Thủ tướng từ chức - ngay cả từ nội bộ liên minh của Muhyiddin - ngày càng trở nên rõ rệt hơn sau khi nhà vua Malaysia hôm 29/7 đưa ra lời chỉ trích hiếm hoi về công tác xử lý đại dịch của chính phủ. Trước đó, nhà vua đã đồng ý thông qua đề xuất của Thủ tướng Muhyiddin nhằm ban hành tình trạng khẩn cấp từ tháng 1 đến hết tháng 7 nhằm kiểm soát sự lây lan đại dịch Covid-19 tại quốc gia này. 

Nhiều nhà phân tích coi việc ban hành tình trạng khẩn cấp thực chất là nỗ lực của ông Muhyiddin nhằm duy trì vị thế chính trị, đặc biệt khi Quốc hội bị đình chỉ do tình trạng khẩn cấp và không thể tổ chức bầu cử. Khi Quốc hội Malaysia họp lại trong tuần này, chính phủ đã gây ngạc nhiên khi tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ ngày 21/7, sớm hơn 10 ngày so với dự kiến trước đó. Phản đối tuyên bố này, nhà vua Malaysia khẳng định việc chính phủ đơn phương thu hồi tình trạng khẩn cấp là không tuân thủ hiến pháp. 

Bất chấp những căng thẳng chính trị và diễn biến phức tạp của đại dịch, không thể phủ nhận các nhà chức trách Malaysia đã làm tốt trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trong những tuần gần đây. Hơn 18% trong tổng dân số 32 triệu người tại quốc gia Đông Nam Á này đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vắc xin, theo Our World in Data.    

Các nhà kinh tế từ ngân hàng Anh Barclays ước tính rằng Malaysia cùng với Singapore và Hàn Quốc sẽ nằm trong số các quốc gia châu Á có tỷ lệ tiêm chủng đạt ngưỡng quan trọng trong năm nay.


NTTD
Cùng chuyên mục