[Biz Insider] Bệ phóng của doanh nhân Trương Sỹ Bá - Từ buôn hóa chất đến ông trùm nông sản tỷ USD “trứ danh”

17/10/2021 07:15 GMT+7
Tháng 8 năm 2011, với tài nghệ của doanh nhân Trương Sỹ Bá, Tân Long Group được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Từ đây mở ra kỷ nguyên mới cho Tân Long Group – những doanh nghiệp tỷ USD của Việt Nam.

"Ông trùm" xuất khẩu gạo

Doanh nhân Trương Sỹ Bá được biết đến là người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group). Tại ngày 22/5/2018, số vốn điều lệ của công ty này ở mức 1.200 tỷ đồng. 5 tháng sau, doanh nghiệp tăng vốn lên mức 2.200 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện tại. Trong đó ông Bá nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 88% vốn.

Trước khi "nổi danh" với vai trò là ông bầu bóng đá đội tuyển Sông Lam Nghệ An, ông Trương Sỹ Bá được biết đến là ông trùm buôn gạo sau khi Tân Long Group được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo vào năm 2011 cũng như những lần liên tiếp trúng các gói thầu xuất khẩu gạo Japonica đi Hàn Quốc.

Tháng 7/2017, Tân Long Group là 1 trong 4 công ty Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175 nghìn tấn gạo (25% tấm) cho Philippines, trong đó Tân Long Group cung cấp 50.000 tấn. Trong năm này, Tân Long Group đạt Top 3 nhà cung cấp gạo Japonica xuất khẩu tại Việt Nam.

[Biz Insider] Bệ phóng của doanh nhân Trương Sỹ Bá - Từ buôn hóa chất đến ông trùm nông sản tỷ USD “trứ danh” - Ảnh 1.

Hệ sinh thái của ông trùm nông sản Trương Sỹ Bá. Nguồn: Thanh Giang.

Năm 2018, Tân Long Group vượt qua quy trình kiểm nghiệm không chứa hơn 300 loại hóa chất để thắng thầu quốc tế, xuất sang Hàn Quốc gần 130.000 tấn gạo Japonica và gạo thơm, chiếm hơn 60% gạo nhập khẩu tại quốc gia này.

Năm 2019, Tân Long tiếp tục gây chú ý với hợp đồng thương mại mua 176.000 tấn điều thô từ Tanzania, chiếm tới 18% lượng điều thô nhập khẩu của Việt Nam trong năm theo thống kê của tổng cục Hải Quan.

Không chỉ dừng lại ở gạo, Tân Long Group có vị trí quan trọng trong ngành điều và nhiều nông sản khác của Việt Nam.

Với việc thắng nhiều gói thầu rất lớn đã giúp doanh thu Tân Long Group nhanh chóng đạt mức tỷ đô. Cụ thể, năm 2016, doanh thu Tân Long Group đạt 21.524 tỷ đồng, và đạt ngưỡng 1 tỷ USD 1 năm sau đó (doanh thu năm 2017 là 23.288 tỷ đồng). Năm 2018 – 2019, con số này tăng lên trên 38.000 tỷ đồng và đến năm 2020 đã vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng.

Sự lớn mạnh thần tốc của Tân Long Group trong ngành xuất khẩu nông sản, đặt ra dấu hỏi về nguồn gốc của Tân Long Group. Nhờ đâu Tân Long Group, một tập đoàn có nhiều năm kinh nghiệm buôn hóa chất, khai thác khoáng sản, nhập khẩu đá xây dựng lại bẻ lái buôn nông sản và nhanh chóng vượt qua nhiều nhà xuất khẩu gạo 'gạo cội' trên thị trường để trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo chính tại Việt Nam?

Hé lộ "bệ phóng" cho Tập đoàn Tân Long

CTCP Tập đoàn Tân Long trước đó là CTCP Hóa Chất Công Nghiệp Tân Long có tiền thân là Công ty TNHH Tân Long Vân được thành lập vào năm 2000. Với nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất, năm 2006, Tân Long Vân chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP.

[Biz Insider] Bệ phóng của doanh nhân Trương Sỹ Bá - Từ buôn hóa chất đến ông trùm nông sản tỷ USD “trứ danh” - Ảnh 1.

Nguồn: Q.D

Dữ liệu của Etime cho thấy, đến năm 2009, nhập khẩu phân phối hóa chất vẫn là mảng hoạt động chính của Tân Long Group. Tuy nhiên, từ năm 2007 Tân Long Group bắt đầu "bẻ lái" tăng dần mức độ thâm nhập vào ngành chế biến thức ăn gia súc thông qua nhập khẩu nguyên liệu thay vì chỉ cung cấp hóa chất tẩy rửa cho nhà máy sản xuất  thức ăn chăn nuôi.

Tân Long Group đã nhập khẩu phân phối ngô, bánh dầu đậu nành, khô đậu tương, bã cơm dừa, cám gạo, khô bã cải… từ Ấn Độ, Mỹ. Đến năm 2013 danh mục khách hàng của Tân Long Group trong lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc đã có một loạt tên tuổi lớn như Japfa Comfeed, C.P, GreenFeed, Cargill Việt Nam, Sojitz Asia Pte Ltd, Thức ăn chăn nuôi Hoa Kỳ, Thức ăn chăn nuôi Vina, EH Long An Việt Nam…

Thành công trong cung cấp nguyên liệu đầu vào ngành chăn nuôi, Tân Long Group tiếp tục mở rộng kinh doanh các mặt hàng nông sản như: gạo, điều…

Bệ phóng cho Tân Long trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam đến vào tháng 8 năm 2011, khi Tân Long Group được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có thời hạn đến tháng 9/2012 (sau đó được thời hạn đến 5 năm/lần). Đến nay, mảng nông nghiệp đóng góp hơn 80% doanh thu của Tân Long Group.

Sau 5 năm có giấy phép xuất khẩu gạo, Tân Long Group góp mặt vào nhóm doanh nghiệp có doanh thu tỷ đô và duy trì từ đó. Dù vậy, Tân Long Group hiện chỉ góp mặt 1 lần duy nhất trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2017.

Điều này phù hợp với thực tế của Tân Long Group khi giai đoạn 2016-2020 Tân Long Group duy trì và tăng trưởng doanh thu tỷ USD, thậm chí doanh thu đã tăng hơn 130% trong 5 năm nhưng hiệu quả kinh doanh thuộc nhóm "lãi mỏng, lỗ sâu". Năm 2016, Tân Long chỉ lãi vỏn vẹn 39 tỷ đồng, năm 2017  doanh nghiệp lỗ 277 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên mức 30 tỷ đồng vào năm 2018, tiếp tục lỗ lên đến 493 tỷ đồng năm 2019 và lãi về 51 tỷ đồng trong năm 2020.

[Biz Insider] Bệ phóng của doanh nhân Trương Sỹ Bá - Từ buôn hóa chất đến ông trùm nông sản tỷ USD “trứ danh” - Ảnh 2.

Nguồn: Q.D


Từ khai thác khoáng sản, buôn hóa chất, buôn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi đến xuất khẩu gạo, ở hầu hết các lĩnh vực Tân Long Group của ông Trương Sỹ Bá đều ghi dấu ấn và gặt hái thành công cho thấy "tài nghệ" xoay chuyển, sự khéo léo của vị doanh nhân xứ Nghệ, Trương Sỹ Bá. Nhưng, lợi nhuận Tân Long Group cực thấp hoặc lỗ phản ánh trái ngược mức độ "nhạy bén" trong kinh doanh của vị doanh nhân Trương Sỹ Bá.

Tính chung giai đoạn 2016 – 2020, Tân Long Group thực tế là âm lợi nhuận 105 tỷ đồng. Và doanh thu khủng nhưng lợi nhuận thua lỗ là nét đặc trưng xuyên suốt các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Trương Sỹ Bá.

Quang Dân - Thanh Giang
Cùng chuyên mục