[Biz Insider] Nhảy vọt lên Top 11, Vạn Đức Tiền Giang của ‘nữ hoàng cá tra’ đe dọa vị thế Vĩnh Hoàn
Top 11 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam
Số liệu Hải Quan Việt Nam cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra của Công ty TNHH MTV Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang (Vạn Đức Tiền Giang) đạt hơn 51,3 triệu USD, tăng trưởng 41,7% so với cùng kỳ năm ngoái; gấp gần 3 lần so với mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành. Với kết quả nói trên, Vạn Đức Tiền Giang hiện đang xếp thứ 11 trong Top 100 nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam.
Trong 3 năm trở lại đây, Vạn Đức Tiền Giang đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh số xuất khẩu để nhanh chóng trở thành 1 trong 4 nhà chế biến xuất khẩu cá tra lớn Việt Nam, chỉ xếp sau Vĩnh Hoàn (doanh số 7 tháng đạt 148,9 triệu USD), Biendong Seafood (70,7 triệu USD) và Navico (55,4 triệu USD). Riêng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Vạn Đức Tiền Giang đạt hơn 66,5 triệu USD, tăng 76,9% so với năm trước đó.
Từ năm 2018, Vạn Đức Tiền Giang ghi tên mình vào Top 100 nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, với vị trí 27. Một năm sau, với những khó khăn của ngành cá tra đã đẩy Vạn Đức Tiền Giang xuống vị trí 48. Năm 2020, Vạn Đức Tiền Giang nhảy lên vị trí 23. 7 tháng đầu năm 2021 Vạn Đức Tiền Giang nhảy vọt lên vị trí 11.
Năm 2020, tại thị trường Hồng Kông, Vạn Đức Tiền Giang là 1 trong 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất bên cạnh IDI Corp, Vĩnh Hoàn.
Hiện, Vạn Đức Tiền Giang là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 trong 9 doanh nghiệp sang thị trường Mỹ, chỉ sau Vĩnh Hoàn và Biendong Seafood.
Vĩnh Hoàn - Vạn Đức Tiền Giang: Khắc nhập, khắc xuất
Vạn Đức Tiền Giang được thành lập năm 2007, sở hữu nhà máy sản xuất cá tra tại huyện Châu Thành – Tiền Giang.
Ngày 7/08/2014, Hội đồng quản trị của CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) quyết nghị thông qua nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Thực phẩm Xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang (nay là Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang), có địa chỉ trụ sở đăng ký tại Ấp Đông Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang theo Hợp đồng mua bán cổ phần, nhằm "tăng công suất chế biến cá tra, giúp giảm chi phí và bán hàng tăng trưởng tốt".
Theo đó, HĐQT VHC định giá Vạn Đức Tiền Giang là 360 tỷ đồng. Hoạt động mua lại 100% vốn của Vạn Đức Tiền Giang được tiến hành 2 đợt, trong đó đợt 1 tiến hành ngay trong năm 2014 với lượng cổ phần tương ứng tỷ lệ 99,06% vốn điều lệ; đợt 2 tiến hành trong 3 năm kể từ ngày hoàn tất chuyển nhượng đợt 1 với số lượng cổ phần tương ứng 0,94%. Báo cáo tài chính năm 2014 của VHC cho biết đợt 1 của thương vụ đã được hoàn tất trong năm 2014. Đến cuối năm 2016, Vĩnh Hoàn hoàn tất đợt 2 của thương vụ.
Tháng 2/2018, HĐQT Vĩnh Hoàn quyết định thu hồi phần vốn thặng dư của Vạn Đức Tiền Giang, đồng thời tăng vốn điều lệ của công ty này lên hơn 872,6 tỉ đồng bằng hình thức nhận góp vốn của một đơn vị đầu tư khác bằng tiền mặt. Tỷ lệ sở hữu của Vĩnh Hoàn tại Vạn Đức Tiền Giang giảm xuống 35%. Cùng thời gian, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính hơn 497 tỷ đồng từ thương vụ Vạn Đức Tiền Giang. Giá vốn đầu tư nắm giữ 35% Vạn Đức Tiền Giang gần 410 tỷ đồng.
Ngày 7/6/2019, HĐQT của Vĩnh Hoàn thông qua việc chuyển nhượng 35% vốn cổ phần tại Vạn Đức Tiền Giang cho một đơn vị khác, kết thúc hành trình 5 năm hợp rồi tan giữa Vĩnh Hoàn và Vạn Đức Tiền Giang.
Dù vậy trước tháng 6/2014, và sau năm 2019, Vạn Đức Tiền Giang xuất hiện trên Báo cáo tài chính nhiều năm liền của Vĩnh Hoàn với vai trò là doanh nghiệp có liên quan (gián tiếp) đến Chủ tịch HĐQT của VHC, và có quan hệ kinh tế với Vĩnh Hoàn: mua bán nguyên liệu, thành phẩm, hàng hóa; VHC nhận xuất khẩu ủy thác cho Vạn Đức Tiền Giang…
Chủ sở hữu thực sự của Vạn Đức Tiền Giang
Trên Báo cáo tài chính của Vĩnh Hoàn, trước tháng 6/2014 và sau tháng 6/2019, Vạn Đức Tiền Giang được giới thiệu là công ty có liên quan đến chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn, bà Trương Thị Lệ Khanh.
Dữ liệu thu thập được cho thấy, ở thời điểm đầu tháng 8/2014, trước khi Vạn Đức Tiền Giang được Vĩnh Hoàn mua lại, công ty này đã tiến hành tăng vốn thần tốc từ 127,7 tỷ đồng lên 255,4 tỷ đồng (gấp đôi).
Tháng 2/2018, khi Vĩnh Hoàn quyết định giảm vốn tại công ty con Vạn Đức Tiền Giang xuống 35%, bên góp vốn nắm giữ 65% Vạn Đức Tiền Giang là Công ty TNHH MTV Hữu Phước Food (Hữu Phước Food).
Tháng 6/2019, Vĩnh Hoàn thoái toàn bộ vốn khỏi Vạn Đức Tiền Giang. Cơ cấu vốn của Vạn Đức Tiền Giang thay đổi liên tiếp với Hữu Phước Food nắm 60%, bà Trương Thị Lệ Khanh nắm 5% và Vĩnh Hoàn 35%; bước tiếp theo, Hữu Phước Food nắm giữ 95% và bà Trương Lệ Khanh nắm giữ 5%. Như vậy, Hữu Phước Food đã có bước chuyển vốn Vạn Đức Tiền Giang sang cho bà Trương Thị Lệ Khanh, trước khi nhận chuyển vốn phần còn lại từ Vĩnh Hoàn.
Trong khi đó, Hữu Phước Food là doanh nghiệp được thành lập vào tháng 12/2017, có 100% vốn góp là vốn nước ngoài. Matin International Ltd là tổ chức nắm giữ 100% vốn Hữu Phước Food. Tổ chức nước ngoài này được thành lập vào tháng 12/2017, có trụ sở chính tại British Virgin Islands (Thiên đường thuế).
Điều gì đã khiến bà Trương Thị Lệ Khanh quyết định bán Vạn Đức Tiền Giang cho Vĩnh Hoàn ở thời điểm ngành chế biến xuất khẩu cá tra gặp khó và quyết định mua lại thông qua tổ chức đầu tư nước ngoài (được thành lập ở Thiên đường thuế) không rõ lai lịch, cũng như vì sao Vĩnh Hoàn quyết định rút vốn khỏi Vạn Đức Tiền Giang ở thời điểm Vạn Đức Tiền Giang có vị thế trên thị trường xuất khẩu và lợi nhuận tăng trưởng ổn định?