Bloomberg chỉ ra 6 rủi ro đang đẩy kinh tế toàn cầu đến nguy cơ suy thoái
Mô hình theo dõi tăng trưởng GDP toàn cầu của Bloomberg đã chỉ ra tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2019 dự kiến chỉ đạt 2,2%, kém xa mức bình quân 4,7% hồi quý I/2018. Cuộc họp thường niên của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tại Washington trong tuần này chắc chắn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về nguy cơ suy thoái kinh tế đang đè nặng lên triển vọng phát triển của toàn cầu.
Tom Orlik, chuyên gia kinh tế từ Bloomberg nhận định rằng các Chính phủ cần có những quyết định đúng đắn để cứu nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi giảm tốc và mối quan ngại suy thoái vào năm 2020.
Dưới đây là 6 nguyên nhân thúc đẩy kinh tế giảm tốc đã được các chuyên gia Bloomberg rút ra.
Chiến tranh thương mại
Cuộc xung đột kéo dài hơn một năm nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây suy yếu kinh tế toàn cầu. Dù cho Mỹ và Trung Quốc mới đây đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 và đang nỗ lực hướng tới chấm dứt hoàn toàn chiến tranh thương mại, thì các tranh chấp cơ bản vẫn là điều còn tồn đọng. Trọng tâm xung đột được phía Mỹ xác định là các vấn đề trợ cấp Chính phủ và chính sách công nghiệp, trong khi Bắc Kinh hiện chưa sẵn sàng thay đổi các thể chế này.
Ngoài ra, xung đột thương mại Mỹ EU cũng đang tiềm tàng nhiều rủi ro khi Tổng thống Trump có thể áp thuế với sản phẩm ô tô nguồn gốc EU bất cứ khi nào.
Sản xuất giảm tốc
Các nhà sản xuất đang vất vả tìm lối thoát trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. Lĩnh vực sản xuất ô tô suy yếu mạnh mẽ khi các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới là Đức và Nhật Bản đều lao đao. Lĩnh vực công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề do danh sách đen và các chính sách hạn chế thương mại của Nhà Trắng. Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất 1 thập kỷ hồi tháng 9 vừa qua. Nguy cơ giảm cầu do chiến tranh thương mại cũng khiến nhiều ngành sản xuất tỏ ra quan ngại.
Rủi ro địa chính trị
Giữa lúc xung đột Mỹ Trung khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo, việc Anh và EU chưa thể ký kết thỏa thuận Brexit mặc cho thời hạn ly khai đến gần cũng khiến khu vực kinh tế đồng EUR chẳng mấy dễ thở.
Xung đột Mỹ - Iran cũng đặt ra nhiều mối quan ngại từ sau sự kiện Iran bị cáo buộc tấn công máy bay không người lái vào các mỏ dầu của Arab Saudi, hay vụ tàu chở dầu Iran bốc cháy… Xung đột này vô hình chung có nguy cơ đẩy giá dầu tăng cao.
Bên cạnh đó, căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, biểu tình ở Hồng Kông, đảo chính ở Argentina, mâu thuẫn chính trị ở Ecuador, Peru và Venezuela… là những rủi ro địa chính trị khác có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào viễn cảnh suy thoái.
Lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh
Những cảnh báo lợi nhuận doanh nghiệp giảm tốc hồi quý II đang có nguy cơ lặp lại trong quý III/2019, điều có thể dẫn đến một sự siết chặt chi tiêu doanh nghiệp, cắt giảm đầu tư kinh doanh trên toàn thế giới. Thực trạng lương công nhân tăng khi mà năng suất lao động giảm, bối cảnh thương mại không thuận lợi đang ngày càng cắt mỏng lợi nhuận doanh nghiệp. Một khi lợi nhuận các tập đoàn bị chèn ép, họ có xu hướng sa thải lao động, giảm lương, qua đó hạ bệ mức tăng trưởng đang khả quan của chi tiêu tiêu dùng.
Ngân hàng Trung Ương chạy theo cắt giảm lãi suất
Một số ý kiến cho rằng ngân hàng Trung Ương có vẻ như đã hành động quá chậm để phản ứng trước rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí chỉ trích các quan chức FED là “những kẻ đần độn” vì không cắt giảm lãi suất sâu hơn, thậm chí đưa lãi suất xuống mức âm khi mà Mỹ đang bị cuốn vào tranh chấp thương mại với Trung Quốc. Ngân hàng Châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản thì đang chạy theo lãi suất âm, điều có thể khiến họ mất khả năng tác động vào nền kinh tế một khi suy thoái thực sự xảy ra.