Bỏ phố về quê, chàng trai “thuần phục” đàn ong dú, chim trĩ, gà kiểng… hái ra tiền

15/05/2021 06:01 GMT+7
Mô hình chăn nuôi của anh Tô Vũ Thành Tín (30 tuổi, thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, Bình Định) rất đa dạng với nhiều loại khác nhau như: ong dú, công, chim trĩ, gà kiểng…

"Thuần phục"… ong dú

Đến xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định tìm hỏi nhà anh nông dân Tô Vũ Thành Tín không khó, bởi anh khá nổi tiếng ở vùng đất này.

Năm 2013, chàng sinh viên Thành Tín tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) chuyên ngành xây dựng và quyết định cầm tấm bằng đại học vào Nam xin việc với mong muốn tìm được việc ổn định, thu nhập bấp bênh.

Sau 1 năm ròng rã làm việc nơi đất khách quê người, anh Tín khá mệt mỏi với công việc đang làm nên quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp.

Cách đây 5 năm, trong một lần đi dạo rừng, tình cờ gặp một tổ ong dú đóng trong bộng cây đã bị mục, chứng kiến những con ong "tí hon" nhỏ tựa con muỗi bay ra bay vào trông rất lạ mắt. Thấy tổ ong đã làm mật, anh Tín lấy mật xong cưa cả khúc cây mục mang tổ ong về đặt trong vườn.

Bỏ phố về quê, chàng trai “thuần phục” đàn ong dú, chim trĩ, gà kiểng… hái ra tiền - Ảnh 1.

Anh Tín làm thùng nuôi ong dú chỉ có 1 lỗ thông nhỏ với bên ngoài sẽ bảo vệ được ong.

"Lúc đấy, mẹ vợ tôi đang bị lệch sống lưng, luôn rên la vì đau nhức phải đi bác sĩ đông y châm cứu. Sẵn vừa lấy được 1 lít mật từ tổ ong dú, tôi mang về cho mẹ uống để bồi dưỡng. Nào ngờ, uống loại mật này mẹ tôi bỗng hết đau nhức sống lưng", anh Tín cho hay.

Thấy lạ, anh tìm hiểu thì mới biết là mật ong dú có giá trị như 1 loại dược liệu, chứ không đơn thuần như mật các loại ong khác.

Theo anh Tín, sở dĩ mật ong dú có giá trị như dược liệu là vì phấn hoa từ những cây thảo dược. Lấy phấn hoa thảo dược về, đàn ong ủ với nước bọt của mình để tạo ra mật.

Thời gian ủ mật của loài ong dú rất lâu, nếu các loài ong khác lấy phấn hoa về đổ trong tổ chỉ khoảng 10 ngày sau là tạo mật, thì ong dú phải ủ đến cả hơn 100 ngày mới tạo ra mật. Mỗi năm, tổ ong dú chỉ tạo mật 2 lần giữa năm và cuối năm.

"Mật của tổ ong dú rất ít, tổ nào cho nhiều nhất cũng chỉ khoảng 3 lít, nhưng trường hợp này hiếm khi có, thường thì từ 1 vài xị đến 1 lít", anh Tín nói.

Mật ong dú giúp thanh nhiệt, chống viêm, giải độc, giảm đau, sát trùng vết thương; chữa viêm đường tiêu hóa, dạ dày, đại tràng, tưa lưỡi, tiêu đờm… Mật ong dú cũng được sử dụng nhiều để chế biến mỹ phẩm, ở đất nước Nhật Bản cũng đang sản xuất kem đánh rang từ sáp ong dú.

Nhận thấy giá trị kinh tế cao, anh Tín bắt đầu chăm chút tổ ong và manh nha ý tưởng tách đàn.

Bỏ phố về quê, chàng trai “thuần phục” đàn ong dú, chim trĩ, gà kiểng… hái ra tiền - Ảnh 2.

Người nhà anh Tô Vũ Thành Tín (xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) kiểm tra bên trong mô hình nuôi ong dú.

Cho rằng, ong dú làm tổ trong bộng cây có nghĩa chúng thích nghi với môi trường sống không ánh sáng. Rồi lên mạng mày mò thêm kiến thức, thế là anh quyết định đóng thùng gỗ 6 mặt kín, chỉ chừa 1 lỗ nhỏ thông ra bên ngoài. Trong thùng chia thành 4-5 ngăn hình vuông để ong sinh sản, tạo sáp và mật ong.

"Chúng có kích thước bé bằng 1/2 đến 2/3 so với ong ruồi, ong khoái và tính hiền nên bị thằn lằn, chim yến rình bắt ăn. Loại thùng chỉ có 1 lỗ thông nhỏ với bên ngoài sẽ bảo vệ được chúng", anh Tín chia sẻ.

Sau khi mang tổ ong dú đầu tiên về, anh Tín để nguyên trong thân cây mục, 1 năm sau mới bắt đầu tách đàn. Kỹ thuật tách đàn anh cũng phải hỏi Google, chứ ở địa phương chưa có ai nuôi ong dú nên không thể học hỏi.

Một tổ ong mỗi năm chỉ được tách 1 lần, mỗi lần tách 2 đàn mới là hết "công suất". Thời điểm thuận lợi cho việc tách đàn là vào mùa xuân, từ tháng Giêng đến tháng 7 âm lịch.

Còn đối với mùa mưa, thời tiết lạnh không nên tách đàn, bởi tách đàn vào thời điểm này đàn mới sẽ rất yếu dẫn tới thiếu quân. Khi đã thiếu quân thì ong chúa sẽ không đẻ, lũ ong trong đàn già đi sẽ chết dần, những con ong còn lại trong đàn mới thấy buồn bỏ đi hết, đàn mới sẽ tàn lụi dần.

Ngoài ra, khi tách đàn, phải lấy mật từ tổ cũ chuyển sang tổ mới để đàn ong mới có lương thực để "nuôi quân". Đặc biệt là phải thường xuyên mở thùng thăm xem đàn ong mới phát triển ra sao. Nếu thấy đàn mới phát triển chậm phải lấy ong từ đàn khác bổ sung vào để đàn phát triển. 

Bỏ phố về quê, chàng trai “thuần phục” đàn ong dú, chim trĩ, gà kiểng… hái ra tiền - Ảnh 3.

Anh Tín bên trong chuồng nuôi chim công.

"Từ tổ ong dú đầu tiên tình cờ phát hiện mang về, sau 5 năm, đến nay từ trong nhà ong ra đến ngoài vườn, tôi đang sở hữu đến gần 200 tổ. Do liên tục tách đàn nên lượng mật thu hoạch được không nhiều, vì phải để mật lại cho tổ mới làm lương thực nuôi quân", anh Tín cho biết.

Mỗi năm, anh Tô Vũ Thành Tín thu được khoảng 100 lít mật. Hiện nay, 1 lít mật ong dú có giá 1,6 triệu đồng, trong khi nuôi ong dú không phải cho ăn, chơi chơi mỗi năm anh Tín thu từ mật ong dú đến 160 triệu đồng, khoản thu nhập "cứng" mà nông dân nào cũng ước mơ.

Chim trĩ, công, gà kiểng … hái ra tiền

Ngoài ong dú, anh Tín còn chim trĩ, công và gà kiểng độc lạ. Năm 2014, khi đã "học lỏm" và thành thạo một số kỹ thuật nuôi chim trĩ, chăm sóc, phòng và trị bệnh cho chim trĩ, anh Tín bàn với bố mẹ và vay người thân 70 triệu đồng, nhanh chóng xây dựng chuồng nuôi chim trên diện tích khoảng 500m2.

Mọi chuyện đã hoàn thành, anh bắt xe xuôi vào Nam mua 50 đôi chim trĩ, và mua thêm 62 con chim mái trưởng thành về nuôi.

Anh Tín chia sẻ, khi mới tìm hiểu mô hinh nuôi chim trĩ, nghe mọi người bảo chim trĩ dễ nuôi như nuôi gà ta nhưng khi nuôi thì mới thấy mọi chuyện không hề đơn giản.

Bỏ phố về quê, chàng trai “thuần phục” đàn ong dú, chim trĩ, gà kiểng… hái ra tiền - Ảnh 4.

Giống gà độc lạ được nuôi tại vườn nhà anh Tín.

"Có lúc tôi nghĩ phải bỏ nghề, vì đúng lúc chim trĩ đang thay lông gặp thời tiết lạnh thì không sống được, mặc dù đã làm đủ cách vẫn không ổn. Sau đó tôi chặt các tàu dừa làm ụ, dùng lá chuối khô lót nền làm ổ, vậy mà đàn trĩ vượt qua đợt lạnh", anh Tín cho hay.

Sau 7 năm, từ 162 con chim trí giống, hiện đàn chim trĩ của anh Tín đã tăng lên hơn 1.000 con, trong đó 500 chim trĩ sinh sản, gần 200 chim trĩ trống, còn lại là trĩ bán thịt.

Anh Tín cho biết, nuôi chim trĩ khoảng 4 tháng thì xuất chuồng 1 lứa, con chim trĩ trống nặng khoảng 1,5kg, con chim trĩ mái nặng 1 - 1,3kg. Anh bán chim trĩ cho thương lái trong và ngoài tỉnh với giá chim trĩ là 180.000 đồng/kg.

Anh Thành Tín còn bán chim trĩ giống. Theo đó chim trĩ 1 ngày tuổi anh Tín với bán giá 20.000-25.000 đồng/con, chim trĩ 2 tháng tuổi bán giá 120.000 đồng/con, chim trĩ hậu bị khoảng 4-5 tháng bán 300.000-320.000 đồng/con và chim trĩ sinh sản 700.000 - 750.000 đồng/cặp.

Tại chuồng nuôi của gia đình anh nông dân Tô Vũ Thành Tín, ngoài chim trĩ còn có giống gia cầm lạ nuôi làm kiểng như: chim công, gà vảy cá, gà Brahma (xuất xứ châu Âu), gà Onagadori (Nhật Bản), gà lôi… bán cảnh với giá trị cao.

Anh Tín cho biết, nuôi chim trĩ cũng không quá phức tạp, chuồng trại phải thoáng mát, chuồng được bao bọc lưới bảo vệ và đảm bảo không gian đủ rộng để chim bay nhảy.

Tuy nhiên, người nuôi chim trĩ cần chú ý với chim non dưới 1 tháng tuổi phải chăm sóc kỹ, còn chim đẻ phải ăn đủ chất, đúng thời gian thì tỷ lệ đẻ trứng cao. Chăm sóc tốt, chim mẹ có thể đẻ vài chục trứng trong một chu kỳ đẻ trứng khoảng 3-4 tháng.

Bỏ phố về quê, chàng trai “thuần phục” đàn ong dú, chim trĩ, gà kiểng… hái ra tiền - Ảnh 5.

Chuồng trại xây dựng kiên cố, có rào bảo vệ vây quanh.

Theo anhTín, sau khi có lãi trong chăn nuôi anh dùng tất cả số tiền đầu tư vào nuôi các giống chim, gà kiểng mới lạ để làm phong phú nguồn hàng, cung ứng thị trường.

"Đầu ra chim trĩ thịt và chim trĩ giống đều khá ổn định. Trước đây, tôi phải tự đi liên hệ với khách hàng để bán, còn giờ khách hàng đã tìm đến mình để mua, nhiều lúc không có hàng để bán", anh Tín nói.

Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng NNPTNT huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định), ngoài nuôi ong dú, mô hình nuôi chim trĩ và các loại chim, gà kiểng của anh nông dân Thành Tín cho thu nhập cao hơn nhiều so với các mô hình chăn nuôi khác ở địa phương.

Đặc biệt, anh Thành Tín còn sẵn sàng giúp đỡ và chuyển giao kỹ thuật, bán con ong dú giống với giá rẻ hơn thị trường cho những người có nhu cầu chăn nuôi theo mô hình này để phát triển kinh tế gia đình.


Thăng Bình
Cùng chuyên mục