Bộ Tài chính đề nghị có chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp xăng dầu bán lẻ
Có hiện tượng thương nhân, đầu mối xăng dầu 3 "không"
Tại phiên giải trình về thị trường xăng dầu và trách nhiệm quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận những hạn chế trong quản lý xăng dầu, ông đưa ra nhiều đề nghị trong đó có việc quy định chiết khấu tối thiểu, cho đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn.
Tại phiên giải trình về quản lý xăng dầu tại Uỷ ban kinh tế của Quốc hội hôm nay 28/2, Bộ trưởng Phớc không né tránh các hạn chế trong quản lý nhà nước về xăng dầu hiện tại. Và một trong số các hạn chế đó là số lượng thương nhân đầu mối và phân phối hiện đang quá nhiều. Việt Nam hiện có 34 thương nhân đầu mối, trong khi Nhật Bản hiện có 5, Trung Quốc là 4, ông Phớc so sánh.
Theo Bộ trưởng, cần siết lại quy định hiện tại là thương nhân đầu mối được đi thuê kho chứa. "Thương nhân đầu mối thì phải có kho, còn đi thuê kho sẽ không chủ động trong nhập khẩu", ông Phớc nhấn mạnh đồng thời đề nghị cân nhắc việc giảm số lượng đầu mối.
"Có tiết giảm được thương nhân đầu mối không, ví dụ giảm về 10, hay để như hiện tại?", Bộ trưởng đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, số lượng thương nhân phân phối khoảng 332, theo Bộ trưởng Tài chính, cũng quá nhiều. Ông Phớc cho rằng, đây là khâu trung gian, nên sẽ chi phí phát sinh và giá sẽ cao lên. Thậm chí, có thương nhân phân phối 3 không, tức "không kho, không vốn và không cửa hàng". Bởi thế, ông cũng đề nghị giảm số lượng thương nhân phân phối.
Vẫn liên quan đến giá xăng dầu, người đứng đầu ngành tài chính nhìn nhận, nguồn cung xăng dầu phải được quản lý tốt, không bị đứt gãy thì giá sẽ ổn định.
Năm 2022 nhập khẩu xăng dầu khoảng 8,8 triệu m3/tấn, chiếm gần 30% tổng xăng dầu tiêu thụ trong nước, còn lại 70% từ nguồn cung trong nước đến từ hai nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất. Nếu ổn định được 2 nguồn cung này thì sẽ ổn định được xăng dầu không bị đứt quãng - ông Phớc nói.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích, giá xăng dầu được xác định theo giá thị trường. Tức là trên cơ sở giá sản xuất, giá nhập cộng với các chi phí để hình thành giá cơ sở. Giá bán lẻ ra thị trường không được vượt quá giá cơ sở; giá bán tại vùng sâu vùng xa không được vượt quá 2% giá cơ sở.
Về tính chi phí định mức kinh doanh xăng dầu trong giá cơ sở, quy định hiện nay là 6 tháng điều chỉnh một lần. Tuy nhiên trước diễn biến thị trường thế giới phức tạp, Bộ trưởng Tài chính đề nghị rút ngắn lại thời gian điều chỉnh các chi phí này về còn 1 tháng một lần.
Ông Phớc cũng đề nghị cần rút ngắn thời gian điều hành giá, từ 10 ngày xuống còn 5-7 ngày một lần, vào thứ Sáu hàng tuần, và giá cơ sở được tính bình quân 20 ngày trong tháng - tương ứng mức thời gian dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối.
Ông Phớc nhấn mạnh, vừa qua khi có ý kiến Bộ Công Thương về hiệp thương giá thì Bộ Tài chính cố gắng trả lời trong ngày. Khi nhận được các chi phí của các doanh nghiệp đầu mối gửi tới, Bộ xin ý kiến Bộ Công Thương và thông báo ngay chi phí định mức trên cơ sở bình quân gia quyền. Các tính toán tuân thủ theo quy định pháp luật.
"Theo Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quản lý giá xăng dầu. Bộ Tài chính tham gia ý kiến về thuế, tính chi phí định mức và có ý kiến với Bộ Công Thương để ban hành giá tại kỳ điều hành. Tuy nhiên, quyền quyết định vẫn là Bộ Công Thương, còn Bộ Tài chính có ý kiến tham gia. Bởi, theo hai Nghị định trên, khi ý kiến của Bộ Tài chính không được Bộ Công Thương đồng tình thì Bộ Công Thương tự quyết định", ông Phớc cho biết.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính cũng đề nghị cần có quy định tỷ lệ chi phí tối thiểu để cửa hàng bán lẻ không bị lỗ. Cùng đó, cần sửa quy định, cho phép khi cửa hàng bán lẻ mua từ 1 đầu mối, khi đầu mối này hết xăng thì họ có quyền mua từ người khác. Chứ nếu không không có xăng để bán khi thị trường biến động.
Ngoài ra, cơ quan quản lý phải giao chỉ tiêu sản xuất, nhập khẩu từ đầu năm để chuẩn bị nguồn cung 1 cách chủ động, ông Phớc nói tiếp về giải pháp.
"Trước đây chúng ta không can thiệp vào khâu bán lẻ trong xăng dầu từ đầu mối xuống doanh nghiệp bán lẻ, mà để cho doanh nghiệp thông qua hợp đồng kinh tế họ tự làm với nhau. Nhưng thực tế, tổng đại lý đã cắt giảm, nên cửa hàng bán lẻ lỗ, lỗ thì không bán. Cho nên cân nhắc đưa vào quy định chiết khấu tối thiểu, còn chiết khấu tối đa là do thị trường quyết định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, quan điểm của Bộ Tài chính là cần "phương án quy định chiết khấu tối thiểu là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của cửa hàng bán lẻ", ông Phớc nêu.
Một điều quan trọng, quy định 95, chỉ cho phép mua ở một đầu mối, Bộ trưởng Phớc đề nghị đa dạng nguồn cung, mua từ nhiều đầu mối khác nhau. Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, việc cho doanh nghiệp được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn sẽ khắc phục được vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, tránh độc quyền, và chiết khấu thấp hoặc âm.