Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Việc kiểm soát thị trường bất động sản chưa hiệu quả

Trần Kháng Thứ sáu, ngày 09/10/2020 06:30 AM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Bình luận 0

Trong báo cáo mới đây gửi Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chỉ ra hàng loạt tồn tại hạn chế trong việc kiểm soát và quản lý bảo đảm thị trường bất động sản, tái cơ cấu thị trường bất động sản, đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Thiếu nhà ở bình dân, thừa nhà ở cao cấp

Đơn cử, về cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Việc kiểm soát thị trường bất động sản chưa hiệu quả - Ảnh 2.

Nguồn cung nhà ở trên thị trường bất động sản đang mất cân đối.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này tương đối lớn và đa dạng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel,..) chưa đầy đủ, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.

Tiếp đó, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Trong khi đó, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.

Kiểm soát thị trường bất động sản chưa hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hệ thống thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa hoàn toàn đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản.

Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng đất đai, giao dịch bất động sản tuy đã được chú trọng và tăng cường, tuy nhiên việc thực hiện vẫn chưa được thường xuyên, liên tục.

Việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Việc kiểm soát thị trường bất động sản chưa hiệu quả - Ảnh 4.

Việc kiểm soát thị trường bất động sản chưa hiệu quả.

Nhiều địa phương khi phát hiện vi phạm vẫn chưa kiên quyết xử lý, còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định của pháp luật.

Các quy định của pháp luật về đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở xã hội ngày càng mở rộng, trong khi nguồn lực về vốn còn rất hạn chế không đáp ứng được nhu cầu. Thu nhập của các hộ thu nhập thấp tuy đã được cải thiện, nâng cao từng bước nhưng còn thấp, rất khó khăn trong việc chi trả chi phí nhà ở, kể cả trường hợp đã được Nhà nước hỗ trợ một phần.

Đặc biệt, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành đôi khi còn chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Không ít các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội; Chưa tích cực xây dựng cơ chế ưu đãi thêm để phát triển nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền để thu hút các doanh nghiệp tham gia; Chưa tích cực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương.

Khó khăn về nguồn vốn tín dụng để phát triển nhà ở xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2017-2019 (sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dừng giải ngân tái cấp vốn) nguồn vốn ngân sách bố trí cho vay chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu (đến nay mới phân bổ được 2.163/9.000 tỷ đồng, đạt 24% so với nhu cầu vốn trung hạn 2016-2020); chưa có kênh huy động vốn dài hạn cho nhà ở xã hội bên cạnh nguồn vốn tín dụng, nên nhiều dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công (221 dự án), trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại.

Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế. Ngày 09/4/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết số 41/NQ-CP bố trí bổ sung 1.000 tỷ cho Ngân hàng chính sách xã hội và 2.000 tỷ cho 04 ngân hàng thương mại được chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem