Bộ trưởng Tài chính nói gì về chủ trương bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh?

An Linh
16/05/2025 14:37 GMT +7
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, chủ trương bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ năm 2026 đảm bảo minh bạch hóa, tạo sự bình đẳng về thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Giải trình tiếp thu một số điều của đại biểu tại thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc biệt về kinh tế tư nhân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng khẳng định Nghị quyết đã cụ thể hoá một số cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Theo ông Thắng, việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, một số ý kiến cho rằng việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh có thể tạo gánh nặng tuân thủ khi hộ kinh doanh phải chuyển sang chế độ kê khai nộp thuế mới. 

Theo ông Thắng, hiện Bộ Tài chính đang cho thực hiện thí điểm bỏ thuế khoán tại một số địa bàn và nhận thấy rằng chính sách này rất tốt, rất hiệu quả và cần phải được triển khai chính thức trong thời gian sớm nhất. 

“Chính phủ cũng xác định đây là một trong những giải pháp trọng yếu để phấn đấu đạt mục tiêu số lượng doanh nghiệp đến năm 2030 là 2 triệu doanh nghiệp và đến 2045 là 3 triệu doanh nghiệp, cũng như đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách”, ông Thắng nói.

Về vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, khi dành quỹ đất để cho thuê đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và các đối tượng được ưu đãi ở trong Nghị quyết 68 thì đã được nhận diện và có các giải pháp. 

Ví dụ, trong nghị quyết của Quốc hội đã quy định tại khoản 5 Điều 7 là sau 2 năm mà các khu công nghiệp, cụm công nghiệp không có doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê thì doanh nghiệp có thể cho thuê các đối tượng khác.

“Chúng ta biết một khu công nghiệp để lấp đầy phải mất vài năm, 2 năm kể từ khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì chúng ta cũng không thể cho thuê hết được”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, Nhà nước đã có chính sách để hỗ trợ các đối tượng được thuê bằng việc giảm tiền thuê đất tối thiểu 30% và phần giảm này được Nhà nước hỗ trợ thông qua khấu trừ tiền thuê đất. 

Về ý kiến cho rằng quy định thanh tra, kiểm tra tối đa một lần trong năm có thể tạo ra lỗ hổng trong quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực. Dự thảo nghị quyết quy định số lần thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá một lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. 

Quy định này đã thể chế hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 68 để nhằm chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, kéo dài, lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. 

Quy định tại dự thảo nghị quyết hướng tới việc giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực hiện thanh tra, kiểm tra. 

Cho nên, không làm giảm hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, không cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp. Dự thảo nghị quyết cũng không hạn chế đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.