Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc gợi ý nới lỏng chính sách tài khóa

14/05/2020 12:35 GMT+7
Bộ trưởng Tài chính Liu Kun mới đây tuyên bố Trung Quốc cần chính sách tài khóa nới lỏng hơn trong bối cảnh nền kinh tế chịu sức ép nặng nề và ngày một gia tăng từ sự bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc gợi ý nới lỏng chính sách tài khóa  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun

Nhận định được ông Liu Kun đưa ra trong bối cảnh thị trường ngày càng tin tưởng chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tung ra những gói kích thích lớn đáng kể để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình đang lao đao vì cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

“Hiện tại, sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc vẫn đang đối mặt với những nguy cơ bất ổn lớn trong khi áp lực giảm phát nền kinh tế ngày một gia tăng” - ông Liu Kun nhấn mạnh. “Một chính sách tài khóa tích cực hơn là cần thiết và cấp bách để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào suy thoái.”

Phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc sẽ bắt đầu vào tuần sau, ngày 22/5 và dự kiến sẽ đưa ra những chính sách tài khóa nới lỏng hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quý I Trung Quốc rơi xuống -6,8% và nền kinh tế chịu áp lực lớn từ cú sốc giảm cầu trên thị trường toàn cầu.

Trước đó, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước này hồi tháng 1. Các gói cứu trợ nhằm xoa dịu, giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ sự phong tỏa tỉnh thành, biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra.

Các nhà quan sát đang kỳ vọng Quốc hội Trung Quốc phê duyệt thêm các gói cứu trợ doanh nghiệp và cho phép chính quyền địa phương bán thêm các tài sản nợ để tài trợ cho dự án cơ sở hạ tầng bất chấp thâm hụt ngân sách có thể lên tới mức cao.

Bộ trưởng Tài chính Liu Kun nhấn mạnh việc giảm thuế sâu hơn sẽ hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp ổn định trở lại, qua đó giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp - ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế.

Chính quyền Trung Quốc cũng đảm bảo duy trì đầy đủ nguồn cung ứng thực phẩm và nông sản quan trọng, đồng thời hỗ trợ phục hồi ngành chăn nuôi lợn vốn bị tàn phá nặng nề sau dịch tả lợn Châu Phi hồi năm ngoái.

Sự bùng phát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng doanh thu tài chính của Trung Quốc, ông Liu Kun nói thêm. Trong quý I, doanh thu tài chính quốc gia đã rơi xuống mức âm do hàng loạt gói cứu trợ khổng lồ mà chính phủ Bắc Kinh tung ra chi cho công tác phòng chống dịch và xoa dịu thiệt hại sau dịch. Dự kiến, doanh thu tài chính năm 2020 chắc chắn giảm mạnh so với năm 2019.

Hồi cuối tuần trước, Chính phủ Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế và duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để giảm thiểu tối đa rủi ro tài chính.

Trong quý I/2020, kinh tế Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng -6,8%, mức âm đầu tiên kể từ năm 1992 đến nay, do sự bùng phát dịch Covid-19 buộc chính phủ Trung Quốc thắt chặt nhiều biện pháp kiểm soát bao gồm phong tỏa địa phương, hạn chế di chuyển… khiến nền kinh tế gần như đóng băng. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trong khi sản xuất tê liệt, người tiêu dùng chôn chân tại nhà, chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh..

Các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát gần đây của Reuters dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phục hồi 1,3% trong quý II do hoạt động kinh tế dần phục hồi, nhưng đồng thời cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu tác động tiêu cực đến sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục