Bộ Xây dựng "cảnh báo" giá đất nền, nhà ở riêng lẻ biến động tiềm ẩn rủi ro

Thái Nguyễn
22/05/2025 13:19 GMT +7
Theo Bộ Xây dựng, đà tăng giá chung cư đã “chững”, giá giao dịch nhà ở riêng lẻ, đất nền có nhiều biến động tại một số địa phương.

Bộ Xây dựng cảnh báo người dân về biến động giá đất nền

Khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, giá giao dịch nhà ở và đất nền trong quý I/2025, tại các địa phương có nhiều biến động hơn so với quý trước, do thông tin sáp nhập các tỉnh thành. Tại các tỉnh thành có thông tin là nơi đặt cơ quan hành chính mới, mặt bằng giá bị đẩy lên cao và lượng giao dịch cũng có xu hướng tăng.

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong quý I/2025 tại các địa phương có thông tin sáp nhập các tỉnh, thành đã xuất hiện đất nền có tình trạng tăng nhanh cục bộ ở một số địa phương như: Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai... báo sự tăng về giá và lượng này có yếu tố do giao dịch đầu cơ và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường.

Trước tình trạng đó, cơ quan quản lý tại địa phương đã cảnh báo tới người dân cần thận trọng với những thông tin không chính thống; đồng thời triển khai các biện pháp kiểm soát, tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn.

Bộ Xây dựng cảnh báo người dân về biến động giá đất nền. Ảnh: Thái Nguyễn

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Xây dựng cũng đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Chính phủ, Bộ Xây dựng và bộ ngành liên quan, các địa phương sẽ tập trung tạo ra môi trường pháp lý ổn định, kiểm soát và xử lý vi phạm, đồng thời đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, phát triển hạ tầng và điều chỉnh chính sách tín dụng... Những biện pháp này sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững và ổn định hơn trong tương lai.

Một số giải pháp được Bộ Xây dựng đề xuất như: các bộ, ngành, cơ quan trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản...; trong đó, tập trung chủ động giải quyết, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đảm bảo đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn.

Cùng đó là thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tổ chức triển khai thi hành các chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản mới được ban hành như Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024, Nghị quyết thí điểm số 171/2024/QH15 Về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất… và nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành.

Bên cạnh đó, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khó khăn vướng mắc theo lĩnh vực, thẩm quyền đặc biệt là hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất,… cũng được tăng cường.

Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về nhà ở đáp ứng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Cũng theo Bộ Xây dựng, tính đến 28/2/2025, dư nợ tín dụng đối với bất động sản đạt 1,488 triệu tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và 2% so với quý IV/2024. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hiệu quả, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và các chính sách khác trong việc cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.

Việc chú trọng kiểm soát rủi ro tín dụng và yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thận trọng, bảo đảm an toàn tài chính và tránh để xảy ra tình trạng “bong bóng” trong lĩnh vực bất động sản là rất cần thiết.

Về phía Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về nhà ở, nhà ở xã hội, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị..., đáp ứng thực hiện chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; trong đó ban hành hướng dẫn rà soát quy hoạch đô thị và đánh giá đô thị sau sắp xếp; ban hành hướng dẫn đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng khu vực đô thị, nông thôn đảm bảo khoa học, nhất quán và đồng bộ.

Đồng thời, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án bất động sản. Phối hợp với Ban chỉ đạo số 751/QĐ-TTg ngày 11/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng.

Bộ Xây dựng hoàn thiện quy định pháp luật về nhà ở, nhà ở xã hội, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị..., đáp ứng thực hiện chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: Thái Nguyễn

Đáng chú ý là việc Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai, thực hiện.

Ngoài việc tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng còn chủ trì phối hợp với bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất Đề án thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường tính công khai, minh bạch của giao dịch bất động sản trên thị trường.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng. Phối hợp với Ban chỉ đạo 751 của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng.