Bộ Xây dựng: Không có ‘vùng cấm’ cho cá nhân, tổ chức phân lô, bán nền trái phép
Sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai gửi Thủ tướng Chính phủ do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo văn bản số 6531/VPCP-QHĐP ngày 08/08/2020 với nội dung: "Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng trái phép, việc phân lô, bán nền tràn lan đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước như hiện nay. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai và phá vỡ quy hoạch phát triển của từng địa phương".
Bộ Xây dựng cho hay, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, Ngành thực thi nhiều giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm trật tự xây dựng.
Cụ thể, ngày 27/11/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, trong đó quy định xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng như: Thi công sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp; xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; xây dựng không đúng với thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt…
Tới ngày 1/3/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường chấn chỉnh trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Thủ tướng yêu cầu "Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương".
Hiện Bộ Xây dựng cũng đang thực hiện một số giải pháp như triển khai Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ cũng đang nghiên cứu Nghị định để thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng theo quy hoạch được duyệt; tiến hành thanh tra, kiểm tra giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật; không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đặc biệt, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm.
Theo tìm hiểu, tại Đồng Nai, nhiều khu vực tại các huyện được coi là điểm "nóng" của tình trạng phân lô, bán nền như Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu... Trong tháng 6/2020, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng phân lô bán nền trái phép. Hiện các huyện, TP đã giao việc quản lý đất đai, xây dựng cho các xã, phường và nếu để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép thì chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm. Vì thế, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp cũng được hạn chế bớt, song vẫn còn một số đối tượng vẫn ngang nhiên thực hiện việc xây dựng và mua bán đất đai trái phép.
Tuy nhiên, sau khi UBND các xã, phường trên địa bàn tỉnh siết chặt quản lý đất đai thì các "cò" đất đẩy mạnh rao bán đất nông nghiệp phân lô trái phép trên mạng xã hội bằng hình thức "bán đất nền giá rẻ". Các "cò" đất sẽ tùy theo nhu cầu, túi tiền của khách hàng để giới thiệu, trong đó có phân lô, bán nền đất nông nghiệp dưới hình thức đồng sở hữu. Giấy tờ sang nhượng thường là đến văn phòng công chứng để thực hiện hợp đồng chuyển nhượng một phần diện tích trên cùng thửa đất và được quyền đứng tên đồng sở hữu. Chính vì là hình thức phân lô, bán nền trái phép bằng giấy tay, phân lô bán nền theo dạng đất đồng sở hữu... nên chính quyền địa phương khó phát hiện để xử lý tình trạng trên.
Phân lô, bán nền trái phép có thể bị phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng
Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chính thức có hiệu lực từ ngày 5/1/2020. Nghị định này đã tăng hàng loạt mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trong đó có việc phân lô bán nền không đúng quy định.
Cụ thể, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nhưng chưa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 194 của Luật đất đai thì hình thức và mức xử phạt từ 20 - 500 triệu đồng tùy theo diện tích.
Trong đó, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 3ha trở lên.
Nghị định cũng quy định, trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ từ hai điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP trở lên thì hình thức và mức xử phạt sẽ từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tuỳ diện tích.
Trong đó, phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 3ha trở lên.