Bùng phát dịch lở mồm long móng tại Quảng Nam
Dịch bùng phát tại xã Đại Hồng và Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam với tổng số gia súc là trâu, bò được phát hiện mắc bệnh là 152 con.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Nam, hiện trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam xuất hiện bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò thuộc 101 hộ của 6 thôn, chủ yếu tại xã Đại Hồng.
Trong tổng số 152 con gia súc bị mắc bệnh có 149 con bò và 3 con trâu. Tổng số gia súc mắc bệnh bị chết là 12 con của 11 hộ, trọng lượng 1.536kg. Hiện tổng đàn trâu, bò của xã Đại Hồng khoảng 1.600 con, trong đó có 150 con trâu và 1.450 con bò.
Đàn trâu, bò mắc bệnh lở mồm long móng tại xã Đại Hồng và Đại Cường, huyện Đại Lộc đều đã được tiêm vaccine lở mồm long móng tháng 2, tháng 3 năm 2020 theo “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016 - 2020” do Bộ NN-PTNT ban hành tại Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY năm 2016, nhưng không hiểu nguyên nhân khiến dịch vẫn xảy ra?
Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Nam thừa nhận, đàn trâu bò tại huyện Đại Lộc đã được tiêm vaccine lở mồm long móng type O đợt 1 vào tháng 2 và tháng 3 năm 2020. Nhưng do vướng dịch Covid-19 nên thời điểm tháng 7, tháng 8 Chi cục chưa tiến hành tiêm nhắc lại được nên không may dịch bệnh đã xảy giữa lúc đơn vị đang cho tiến hành tiêm nhắc lại đợt 2.
Ngay sau khi xảy ra dịch lở mồm long móng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Nam đã tiến hành kiểm tra, thống kê, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh. Kết quả, phát hiện 2/2 mẫu dương tính với virus gây bệnh lở mồm long móng type O, 1/1 mẫu âm tính với vi khuẩn gây bệnh tụ huyết trùng.
Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng nam đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch với tổng số trâu, bò đã được tiêm là 250 con.
Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Nam sẽ tiếp tục xuất cấp vaccine, hóa chất hỗ trợ huyện Đại Lộc thực hiện chống dịch tại xã Đại Hồng. Chỉ đạo, hướng dẫn xử lý vết thương, che chắn chuồng trại chăn nuôi, theo dõi, giám sát việc chôn lấp gia súc mắc bệnh theo quy định. Hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng vôi để rải tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, đặc biệt trong tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay.
Tiếp tục tổ chức tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch theo quy định tại Thông tư 07/BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN-PTNT. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã thành lập các tổ, chốt chặn hoặc đội kiểm tra liên ngành để giám sát việc bán chạy gia súc mắc bệnh, đồng thời xử lý vi phạm theo quy định.