Các khoản vay không minh bạch từ Trung Quốc đang dồn nhiều nước nghèo vào 'chân tường'

16/10/2020 08:31 GMT+7
Sáng kiến xóa nợ cho các quốc gia nghèo của nhóm G20 đang đứng trước rủi ro lớn không giải quyết được các khoản vay nợ ẩn thiếu minh bạch của Trung Quốc thông qua các tổ chức tài chính do nhà nước kiểm soát mà Bắc Kinh yêu cầu con nợ phải bảo mật thông tin liên quan.
Các khoản vay không minh bạch từ Trung Quốc đang dồn nhiều nước nghèo vào 'chân tường' - Ảnh 1.

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của nhiều quốc gia nghèo

Hôm 15/10, các Bộ trưởng Tài chính của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (Nhóm G20) đã đồng thuận gia hạn việc hoãn nợ cho các nước nghèo đến hết năm 2020, một động thái để tránh tình trạng vỡ nợ cho các quốc gia đang cõng gánh nặng nợ lớn trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Một số quốc gia như Zambia và Mozambique đang phải đối mặt với khoản nợ tương đương hơn 100% tổng GDP. Theo Ngân hàng Thế giới, 33/73 quốc gia nghèo đủ điều kiện tham gia sáng kiến hoãn nợ của G20 thuộc nhóm có nguy cơ vỡ nợ cao. 73 quốc gia này hiện cõng gánh nặng nợ từ Ngân hàng Thế giới và các tổ chức nước ngoài khác lên tới 744 tỷ USD. Trong đó, 178 tỷ USD đến từ các khoản vay chính thức của các chính phủ G20. 63% còn lại đến từ Trung Quốc. Đáng nói, tại một số nước như Cộng hòa Congo và Djibouti, nợ Trung Quốc đã chiếm tới 50-60% tổng nợ nước ngoài.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại trở thành vật cản lớn cho sáng kiến hoãn nợ của G20. Bắc Kinh đã từ chối can thiệp vào các khoản nợ do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho vay với lý do đây là khoản vay nợ với một ngân hàng thương mại, mặc dù ngân hàng này do chính phủ Trung Quốc sở hữu 100% vốn.

Lập trường của Bắc Kinh đã làm dấy lên mối quan ngại rằng các nước nghèo sẽ sử dụng số tiền được hoãn nợ để trả nợ ngân hàng Trung Quốc thay vì đầu tư vào nền kinh tế để phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Các khoản vay nợ mà chủ nợ là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc gắn liền với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Sáng kiến Vành đai và Con đường do Bắc Kinh khởi xướng. Sáng kiến này đã bị nhiều quốc gia chỉ trích trong những năm gần đây do gieo rắc bẫy nợ chồng chất cho các quốc gia đang phát triển, sau đó nắm quyền kiểm soát nhiều tài sản quốc gia của các nước này khi họ mất khả năng trả nợ. Ví dụ, trường hợp của Kenya, nước này buộc phải bàn giao quyền kiểm soát cảng Mombasa, cảng lớn nhất ở Đông Phi nếu không có khả năng thanh toán đúng hạn các khoản vay từ Trung Quốc để xây dựng một tuyến đường sắt quốc gia.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay các khoản vay mà Trung Quốc làm chủ nợ cũng có lãi suất lên tới hơn 3%, gấp 3 lần mức lãi suất khoảng 1% từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF.

Một nguồn tin của Nikkei cho hay G20 đang yêu cầu các quốc gia công khai thông tin về nợ nước ngoài của họ để đổi lấy việc hoãn nợ trong 6 tháng tiếp theo. Nhưng các khoản vay từ Trung Quốc thường đi kèm yêu cầu bảo mật thông tin, do đó bên đi vay không thể công khai chi tiết về lãi suất hay tài sản thế chấp.

Do đó, chỉ có 44 quốc gia đủ điều kiện nhận hỗ trợ hoãn nợ của G20 nộp đơn xin hoãn nợ, tính đến ngày 6/10. Nhiều quốc gia cõng gánh nặng nợ lớn như Bangladesh, Campuchia và Kenya đã không nộp đơn, phần lớn là vì không thể công khai nợ.

Theo một nhóm nghiên cứu bao gồm nhà kinh tế trưởng Carmen Reinhart của Ngân hàng Thế giới, các khoản vay mà Trung Quốc cung cấp cho các quốc gia đang phát triển hiện đã lên tới 385 tỷ USD, trong đó 200 tỷ USD là nợ ẩn, nợ không minh bạch.

Các nước G20 đang lên kế hoạch đưa ra quy chế giãn nợ mới vào tháng tới trong nỗ lực đưa Trung Quốc vào chiến dịch xóa nợ, hoãn nợ cho nước nghèo.


NTTD
Cùng chuyên mục