Các tỉnh nhận càng nhiều ngân sách thì công khai, minh bạch càng kém
Theo kết quả khảo sát POBI 2019, chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 65,55 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn so với chỉ số trung bình đối với POBI 2018 là 51 điểm và POBI 2017 là 30,5 điểm.
Trong năm 2019 có 51 trong tổng số 63 tỉnh thành có mức điểm trên trung bình, trong khi con số này trong năm 2018 chỉ là 31 tỉnh. Điều này cho thấy mức độ công khai ngân sách nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2019 đã cải thiện hơn so với năm 2017 và 2018.
Tín hiệu đáng khích lệ là năm 2019, đã có 24 tỉnh công khai đầy đủ thông tin về ngân sách nhà nước. Ngoài ra, có 27 tỉnh công khai tương đối và có 9 tỉnh công khai chưa đầy đủ. Đặc biệt có 3 tỉnh ít công khai là Hoà Bình, Đồng Tháp và Lạng Sơn.
Đáng lưu ý, trong năm 2019, danh mục dự án đầu tư công là tài liệu được các tỉnh công khai tương đối đầy đủ với 50 tỉnh công khai (tương đương với 79.37%) - cao hơn so với POBI 2018 (với 46 tỉnh thành công bố loại tài liệu này).
Theo đánh giá của các chuyên gia Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VERP), Việt Nam đang thực hiện các tiến bộ để cải cách tài chính công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách của Chính phủ. Tăng cường tính minh bạch và công khai về ngân sách là một trong những nội dung quan trọng của lần cải cách này.
Từ số liệu khảo sát chỉ số POBI 2019 cho thấy các địa phương nâng cao ý thức trong công khai ngân sách. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố hoàn toàn có khả năng tiếp tục cải thiện được mức độ công khai ngân sách với tinh thần chủ động, trách nhiệm hơn, nhằm đảm bảo hiệu quả ngân sách, đồng thời có cơ chế cho người dân tham gia trong quá trình ngân sách thông qua việc hiểu và tiếp cận tài liệu về ngân sách kịp thời và đầy đủ.
Nhận xét thêm về tính công khai minh bạch ngân sách của các tỉnh hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, các tỉnh đa phần mới có công khai chứ chưa minh bạch. Cụ thể, các tỉnh có thể đưa thông tin lên nhưng khi doanh nghiệp, người dân muốn tiếp cận sâu hơn thông tin thì lại không nhận được phản hồi.
"Một số địa phương công bố dự thảo nhưng khi người dân góp ý thì tiếp thu không mang tính thực chất, chỉ đối phó, một chiều. Hiểu minh bạch theo nghĩa lắng nghe, có tính giải trình thì như vậy là chưa đủ minh bạch", ông Tuấn chia sẻ.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu bổ sung thêm, các tỉnh càng nhận nhiều ngân sách nhà nước thì công khai minh bạch càng kém, còn các tỉnh có đóng góp ngân sách Trung ương thì công khai minh bạch ngân sách lại rất tốt. "Tỉnh Hoà Bình là một trong những trường hợp cá biết, luôn nằm trong Top kém nhất về công khai minh bạch ngân sách và không có bất cứ sự cải thiện nào trong 3 năm trở lại đây. Trong khi đó Hoà Bình lại nằm trong nhóm không tự chủ được ngân sách, phải xin ngân sách Trung ương", ông Cường thông tin thêm.