Cán bộ, công chức, NLĐ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội

03/10/2020 16:54 GMT+7
Từ năm 2020, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở xuống - nghĩa là không phải nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ được xem xét cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua nhà ở xã hội.

Thu nhập dưới 11 triệu đồng sẽ được vay ưu đãi mua nhà ở xã hội 

Căn cứ vào khoản 4 Điều 49, khoản 1 Điều 50, khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014; khoản 1 điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020), người có thu nhập thấp được hỗ trợ chính sách mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập sau đây:

Thứ nhất, phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Từ năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng (trước đây là 9 triệu đồng/tháng); do đó, người có thu nhập từ 11 triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế thu nhập cá nhân nên thuộc diện được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho vay mua nhà ở xã hội với mức lãi suất ưu đãi.

Về nguyên tắc, những người thu nhập thấp nêu trên sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét có được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi hay không; nếu thu nhập quá thấp, không có khả năng thanh toán khoản vay thì sẽ không được phép vay vốn để mua nhà ở xã hội.

Cán bộ, công chức, NLĐ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội  - Ảnh 1.

Thứ hai, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

Thứ ba, phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này.

Đồng thời, căn cứ Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì hồ sơ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:

- Khi xin hỗ trợ nhà ở xã hội phải có đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở và có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở.

- Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú như sau:

+ Trường hợp có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội thì phải có bản sao có chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương đó.

+ Trường hợp không có hộ khẩu thường trú thì phải có bản sao có chứng thực giấy đăng ký tạm trú; bản sao có chứng thực hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn và giấy xác nhận (hoặc giấy tờ chứng minh) về việc có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó đăng ký mua nhà ở xã hội. Trường hợp đối tượng làm việc cho chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội mà việc đóng bảo hiểm thực hiện tại địa phương nơi đặt trụ sở chính thì phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đặt trụ sở chính về việc đóng bảo hiểm.

- Tự kê khai về mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về thông tin tự kê khai. Sở Xây dựng liên hệ với Cục thuế địa phương để xác minh thuế thu nhập của các đối tượng này trong trường hợp cần thiết.

- Trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân dưới 10 m2/người.

 Hồ sơ thủ tục mua nhà ở xã hội

Làm sao mua được nhà ở xã hội là vấn đề được người mua quan tâm khi quyết định lựa chọn mô hình cư trú này. Với nhà ở xã hội, người mua cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thực hiện các thủ tục về nhà ở.

Hồ sơ nhà ở xã hội

Đơn đăng ký mua nhà ở xã hội (được cấp theo mẫu có sẵn).

Chứng minh thư nhân dân của người mua (3 bản đã được công chứng).

Đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (3 bản đã được công chứng).

Ảnh (3x4) các thành viên trong gia đình, 3 ảnh/thành viên.

Các minh chứng khác như thực trạng nhà ở, thu nhập.

Quy trình, thủ tục mua nhà ở xã hội mới nhất

Người mua nộp hồ sơ và các giấy tờ cần thiết cho chủ đầu tư dự án.

Chủ đầu tư tiến hành xem xét hồ sơ, lập danh sách các đối tượng được mua/thuê nhà ở xã hội do mình quản lý. Sau đó sẽ phản hồi kết quả tới người mua. Trường hợp chủ đầu tư trả lại hồ sơ sẽ ghi rõ lý do hoàn trả.

Chủ đầu tư tiếp tục gửi danh sách người được mua cho sở Xây dựng để tiến hành xác thực lại một lần nữa. Sau 15 ngày kể từ khi gửi danh sách xác thực, nếu Sở Xây dựng không có ý kiến gì, chủ đầu tư sẽ thông báo cho người mua. Đồng thời, tiến hành đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng.

Sau khi ký kết hợp đồng, chủ đầu tư có trách nhiệm công khai danh sách người mua tại các sàn giao dịch bất động sản, trụ sở làm việc hay trang thông tin nhà ở của chủ đầu tư.

A.Vũ
Cùng chuyên mục