Cần minh bạch hóa nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp

03/09/2022 07:13 GMT+7
Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro tín dụng, FiinRatings cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần minh bạch hơn, nhưng không nên có cái nhìn quá tiêu cực với nợ xấu.


Cần minh bạch hóa nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện đạt khoảng 1,5 triệu tỷ đồng

Gần đây, Bộ Tài chính liên tục cảnh báo nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp khi nhấn mạnh, sản phẩm này phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ... Theo ông, có nên quy định các trường hợp khi không đáp ứng được nghĩa vụ nợ phải minh bạch thông tin ra thị trường như một biện pháp cảnh báo nhà đầu tư mạnh mẽ hơn?

Cần minh bạch hóa nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro tín dụng, FiinRatings

Thực tế, nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm chính là bản chất của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp và điều này cũng đã được quy định rõ trong Điều 5, Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Về vấn đề đáp ứng nghĩa vụ thanh toán lãi và gốc trái phiếu khi đến hạn, việc một vài doanh nghiệp chậm hoặc không thể thanh toán đúng hạn cũng là điều bình thường và là một phần tất yếu của thị trường nợ nói chung, trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Điều này cũng tương tự như kênh tín dụng ngân hàng, khi đã cho vay thì luôn có khả năng rủi ro phát sinh nợ xấu.

Với quy mô trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vào khoảng 1,5 triệu tỷ đồng như hiện nay thì việc minh bạch chất lượng tín dụng, trong đó có “sự kiện nợ” là cần thiết, bởi sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào kênh trái phiếu doanh nghiệp ở mức khá lớn. Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ sở hữu trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 32%.

Việc minh bạch hóa và chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu của trái phiếu doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thị trường và nhà đầu tư có được thông tin cụ thể nhằm đánh giá tốt hơn danh mục trái phiếu doanh nghiệp họ đang sở hữu, cũng như những trái phiếu khác được chào bán trên thị trường trong thời gian tới.

Việc minh bạch hóa nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp còn góp phần phục vụ cho công tác định giá trái phiếu và xác định lãi suất kỳ vọng tùy theo mức độ rủi ro hay xếp hạng tín nhiệm của một trái phiếu cụ thể trên thị trường. Các doanh nghiệp cũng sẽ xác định được chi phí vốn một cách hợp lý tùy theo mức xếp hạng tín nhiệm hoặc đánh giá của thị trường khi các doanh nghiệp này thực hiện hoạt động chào bán trái phiếu hoặc huy động vốn trên thị trường.

Thị trường hiện tại rất nhạy cảm với các sự kiện nợ. Tuy nhiên, chúng ta nên chấp nhận một thực tế là bất kỳ doanh nghiệp hoạt động trong bất kỳ ngành nào cũng có rủi ro nhất định vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau.

Doanh nghiệp bị “sự kiện nợ” có thực sự quá xấu hoặc không thể hồi phục hay không và ông có thể thông tin thêm về tình hình “vỡ nợ” của thị trường trái phiếu tại một số nước trên thế giới?

Thực tế, nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi và gốc vay trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó lại thực hiện được nghĩa vụ. Điều này phần lớn là do những rủi ro mang tính khách quan, chứ không phải chủ quan do doanh nghiệp hay lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo chúng tôi quan sát trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, một số mô hình kinh doanh như nhà hàng, khách sạn chịu ảnh hưởng lớn, khiến họ chậm thanh toán lãi và gốc nợ vay. Sau đó, họ đã đàm phán với nhà đầu tư và hồi phục rất nhanh, giúp điểm tín dụng được cải thiện và nhanh chóng thoát khỏi tình trạng trái phiếu được xem là rủi ro cao. Bởi vậy, chúng ta không nên có cái nhìn quá tiêu cực đối với doanh nghiệp rơi vào sự kiện nợ như vậy, đôi khi đó chỉ là khó khăn nhất thời, chứ không phải là một tin quá xấu.

Sự kiện chậm trả lãi và/hoặc gốc nợ vay, thường được gọi là “vỡ nợ”, thực tế là tình trạng bình thường ở bất kỳ thị trường nợ quốc tế nào.

Ở Trung Quốc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô gần 7.800 tỷ USD (xấp xỉ 44% GDP), tỷ lệ nợ có vấn đề ở mức 1,4%. Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp này là không lớn, nhưng nếu chỉ tính nhóm trái phiếu có tính đầu cơ thì tỷ lệ có vấn đề lên tới 28,6% vào cuối năm 2021 và được Goldman Sachs dự báo sẽ tăng lên 31,6% vào cuối năm 2022.

Nhìn sang Thái Lan, tỷ lệ vỡ nợ ở mức 1,07% vào năm 2020 và riêng các trái phiếu có tính đầu cơ có mức xếp hạng tín nhiệm từ BB trở xuống lên đến 9,01% sau khoảng thời gian 1 năm.

Điều này cho thấy, việc phân loại chất lượng hàng hóa trái phiếu doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam là một vấn đề cần thiết cho sự vận hành theo chuẩn mực và phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù vậy, điều chúng tôi muốn lưu ý là phát triển bền vững thì không nhất thiết không được có nợ xấu, mà chúng ta nên chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu nhất định đối với kênh tín dụng trái phiếu doanh nghiệp.

Khái niệm “vỡ nợ” nói chung và đối với trái phiếu doanh nghiệp nói riêng ở Việt Nam hiện được nhìn nhận và hiểu theo nghĩa rất tiêu cực. Với vai trò là một đơn vị xếp hạng tín nhiệm thì “vỡ nợ” nên được hiểu thế nào trong thực tế hoặc thông lệ của ngành xếp hạng tín nhiệm?


Chúng ta nên chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu nhất định đối với kênh tín dụng trái phiếu doanh nghiệp.

Xét về yếu tố thuật ngữ, có lẽ việc sử dụng từ ngữ “vỡ nợ” (tiếng Anh là “default”) khi khi được Việt hóa sẽ được hiểu theo ý nghĩa khá tiêu cực tại Việt Nam. Vấn đề này có thể do yếu tố lịch sử của ngôn ngữ và do thực tế thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn quá mới mẻ tại Việt Nam, ngoại trừ tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Định nghĩa về vỡ nợ khi doanh nghiệp không đáp ứng đúng thời hạn trong việc thanh toán lãi hoặc gốc cho trái chủ tùy theo điều khoản hợp đồng có thời hạn ân hạn khi sự kiện đó xảy ra hay không. Nếu chúng ta tham chiếu hoặc so sánh sang các quy định hiện hành về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù gọi là “vỡ nợ” nhưng thực chất tình trạng này lại chưa thực sự xấu như nợ dưới chuẩn (nợ nhóm 2 - khi chậm trả lãi hoặc gốc từ 91 - 180 ngày và các tiêu chí định tính khác). Thực tế, nợ nhóm 2 được phân vào nợ có vấn đề và tỷ lệ trích lập dự phòng chỉ ở mức 20%.

Trong khi đó, thị trường tiếp nhận từ “vỡ nợ” trong trái phiếu doanh nghiệp hiện ở mức tiêu cực hơn và đôi khi được hiểu gần như thuộc loại nợ mất vốn (nợ nhóm 5), thậm chí đôi khi được sử dụng tương đương với “phá sản”. Đây là điều không hợp lý và theo chúng tôi thì chúng ta cần nhìn nhận khái niệm “vỡ nợ” liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp một cách hợp lý và công bằng hơn.

Chính bởi lẽ đó, chúng tôi đang xây dựng chính sách về định nghĩa và tiêu chí cụ thể để xác định khi một doanh nghiệp không đáp ứng đúng hạn nghĩa vụ trả lãi và/hoặc gốc trái phiếu cho nhà đầu tư. Việc chuẩn hóa định nghĩa và tên gọi sẽ được chúng tôi áp dụng cho mục đích xếp hạng tín nhiệm, cụ thể là với các doanh nghiệp mà chúng tôi thực hiện xếp hạng tín nhiệm, cùng với đó là những đánh giá và phân tích về thị trường để thị trường dần có cái nhìn công bằng, đúng bản chất và thực tế hơn.

Theo thông lệ quốc tế, vỡ nợ được chia ra nhiều cấp độ như vỡ nợ một phần (selective default) và vỡ nợ (default). Ví dụ, trường hợp của Evergrande (Trung Quốc) được S&P xếp hạng ở mức vỡ nợ một phần, vì tập đoàn này chỉ vi phạm nghĩa vụ nợ đối với trái phiếu quốc tế liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài, chứ họ chưa vi phạm nghĩa vụ nợ của các nhà đầu tư nội địa.

Kênh trái phiếu sẽ giúp giảm áp lực cung ứng vốn cho ngành ngân hàng trong khi đang cần đẩy mạnh vốn vào 5 lĩnh vực ưu tiên. Làm thế nào để các lĩnh vực ưu tiên cũng “chăm chỉ” phát hành trái phiếu?

Năm lĩnh vực ưu tiên trong chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước bao gồm: nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Theo đánh giá của chúng tôi, các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nếu tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì chi phí phát hành và giao dịch liên quan sẽ khá lớn. Nhà đầu tư nhất là tổ chức và đơn vị tư vấn cũng thường ưu tiên các lô có giá trị giao dịch lớn, vì tiết giảm được chi phí giao dịch, quản trị rủi ro và vận hành liên quan.

Hơn nữa, bản chất mô hình kinh doanh của các lĩnh vực này đa phần có nhu cầu vốn lưu động với chu kỳ luân chuyển ngắn nên phù hợp hơn với tín dụng ngân hàng, thay vì tín dụng trái phiếu.

Theo Hồng Dung/Đầu tư Chứng khoán
Cùng chuyên mục