Cân nhắc xây dựng nhà máy tinh bột sắn tại Sơn Hòa (Phú Yên)
Người dân và chính quyền địa phương huyện Sơn Hòa mong muốn nhà máy được xây dựng. Trong khi đó, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Phú Yên lại đưa ra một số căn cứ để chưa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này. Chính vì vậy, việc đầu tư dự án như thế nào cho hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cần được tính toán, cân nhắc kỹ.
Tỉnh Phú Yên hiện có diện tích trồng sắn hơn 23.887 ha, năng suất bình quân 23 tấn/ha, sản lượng đạt 549.401 tấn tập trung tại các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Tỉnh cũng đã có hai nhà máy chế biến tinh bột sắn tại huyện Sông Hinh và Đồng Xuân.
Theo đại diện của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hữu Đức Phú Yên, đơn vị đã đề xuất được đầu tư dự án Nhà máy sản xuất tinh bột sắn, tinh bột biến tính Hữu Đức Phú Yên tại huyện Sơn Hòa với công suất 200 tấn/ngày. Mục tiêu của dự án là tạo ra sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, hạn chế tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô góp phần đa dạng hóa các sản phẩm từ tinh bột sắn, nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân. Đề xuất trên đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, UBND huyện Sơn Hòa thống nhất chủ trương đầu tư.
Trước việc doanh nghiệp đề xuất đầu tư nhà máy chế biến tinh bột sắn tại huyện Sơn Hòa, nhiều nông dân trồng sắn tại huyện Sơn Hòa và các xã lân cận ở huyện Phú Hòa vui mừng cho rằng, có nhà máy sắn trên địa bàn nông dân sẽ chủ được được việc trồng, vận chuyển tiêu thụ, sản xuất ổn định với cây sắn.
Gia đình ông Phạm Tấn Hùng, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa có 3 ha đất trồng sắn. Theo ông Hùng, mấy năm gần đây sắn được giá, sau khi thu hoạch đều được bán cho các thương lái đi tiêu thụ tại nhà máy sắn tại Sông Hinh hoặc các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, cũng có thời điểm sắn được mùa nhưng “vắng” tư thương thu mua, nông dân đành bỏ thối ngoài đồng. Có doanh nghiệp đề xuất đầu tư nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn ông rất mừng. Sắn là xây xóa đói, giảm nghèo của người dân miền núi, sản phẩm trồng ra có nhà máy bao tiêu ổn định là mơ ước của nông dân từ lâu.
Còn ông Huỳnh Long Bình, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa cho rằng, đa số nông dân ở Sơn Hòa trồng sắn và mía. Sắn sau khi thu hoạch vận chuyển đi khá xa để tiêu thụ nên lợi nhuận sản xuất không còn được bao nhiêu. Nếu ở ngay tại huyện có nhà máy thu mua cho bà con sẽ bớt thêm được chi phí vận chuyển, người dân chủ động trong thu hoạch, liên kết đầu tư sản xuất từ đó chắc chắn sẽ có thu nhập khá hơn.
Niên vụ 2020-2021, huyện miền núi Sơn Hòa có diện tích trồng sắn là 8.320 ha (đứng thứ 2 toàn tỉnh). Cùng với cây mía, sắn là cây trồng chủ lực của địa phương giúp xóa đói, giảm nghèo.
Ông A Lê Y Bớ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa cho biết, địa phương mong muốn có doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tinh bột sắn được đầu tư trên địa bàn và cũng mong doanh nghiệp sẽ chú trọng đến đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân bao tiêu sản phẩm, chế biến sâu. Đây cũng là điều kiện để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từ trồng đến chế biến và tiêu thụ tại địa phương.
Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, trước đề xuất của doanh nghiệp, đơn vị đã rà soát và có báo cáo số 690/SKHĐT-TĐ ngày 31/12/2020 gửi UBND tỉnh Phú Yên về việc chưa thống nhất chủ trương đầu tư dự án. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên lý giải, theo Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 5/4/2013 của Tỉnh ủy Phú Yên định hướng từ năm 2015 trở đi không khuyến khích đầu tư mà tăng thêm công suất đối với 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn Sông Hinh và Đồng Xuân cũng như không xây dựng mới nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, theo các Quyết định của UBND tỉnh Phú Yên như: Quyết định số 78/QĐ-UBND ngày 10/1/2008; Quyết định số 1266/QĐ-UBND ngày 1/9/2010 và Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 11/2/2015, vùng nguyên liệu sắn đã được quy hoạch cho hai nhà máy hiện có là 11.000 ha.
Bên cạnh đó, theo nhiệm vụ giải pháp trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) có nội dung: “duy trì ổn định, từng bước giảm diện tích một số cây trồng chủ lực phù hợp với quy hoạch để tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất tập trung...”
Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên có báo cáo số 119/BC-SNN, ngày 19/3/2021 thống nhất chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, để thực hiện dự án phải đảm bảo một số yêu cầu diện tích xây dựng nhà máy và vùng nguyên liệu không trùng lắp với quy hoạch 3 loại rừng; phát triển sản xuất theo hướng chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhà máy phải thực hiện tốt chính sách theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cũng tại báo cáo này do ông Đào Lý Nhĩ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên ký có nêu rất rõ về thực trạng vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn tỉnh: Đối chiếu quy định của pháp luật hiện hành (Luật Quy hoạch năm 2017) thì các quy hoạch đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt đến nay đã không còn hiệu lực. Diện tích sắn ở tỉnh Phú Yên từ năm 2015 - 2020 là 25.023 ha và như vậy, việc giảm diện tích trồng sắn xuống còn 11.000 ha theo định hướng là không khả thi.
Hiện nay, hai nhà máy sản xuất tinh bột sắn tại Đồng Xuân và Sông Hinh chưa quan tâm đến việc đầu tư vùng nguyên liệu. Giá sắn những năm gần đây liên tục tăng cao từ đó dẫn đến tình trạng cạnh tranh mua bán giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh gây khó khăn trong quản lý của chính quyền địa phương, thất thu ngân sách. Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu cần có thêm nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sắn trên địa bàn tỉnh Phú Yên./.