Cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm

22/08/2022 21:21 GMT+7
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đang được tiến hành thi công, dự kiến cuối tháng 12/2022 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, khối lượng công việc vẫn còn nhiều khiến dự án khó có thể về đích đúng hẹn.

Tháo gỡ vướng mắc cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây

Trước những khó khăn của dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây khiến dự án chậm tiến độ, phía tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi công dự án, để công trình bảo đảm chất lượng và thực hiện đúng tiến độ công trình nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tiến độ thi công dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Theo Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020, dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: CTV

Trong quá trình triển khai, Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền của tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu đắp cho dự án.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải quyết liệt chỉ đạo Ban quản lý dự án, các nhà thầu tổ chức triển khai thêm các mũi thi công đảm bảo tiến độ đề ra.

Cùng với đó, các Ban quản lý dựa án có một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây để đảm bảo chất lượng công trình và hoàn thành dự án đúng tiến độ góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước nói chung.

Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn về vật liệu.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng.

Thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc Ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Tổ chức họp giao ban hàng tuần để kiểm điểm đôn đốc tiến độ, kiểm điểm trách nhiệm đối với người đứng đầu Ban quản lý dự án nếu triển khai dự án chậm tiến độ.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án, nhà thầu lập tiến độ tổng thể, chi tiết và ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án.

Ngoài ra, tổ chức theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng ngày/tuần/tháng; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như: Cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng....

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án bố trí lãnh đạo, tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành, giải quyết ngay các vướng mắc, các vấn đề kỹ thuật phát sinh; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, thanh toán để giải quyết khó khăn về tài chính cho nhà thầu; phối hợp chặt chẽ với địa phương giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu…

Thế Anh
Cùng chuyên mục