SSI: Áp dụng biện pháp chống bán phá giá có thể bảo vệ các "ông lớn" ngành thép

10/06/2024 06:54 GMT+7
Theo các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá có thể giúp bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thép mạ kẽm trong nước trước các sản phẩm nhập khẩu.

Trong báo cáo ngành thép mới đây Chứng khoán SSI cho biết, vào ngày 3/5/2024, Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam thông báo đã nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, cơ quan điều tra sẽ có 45 ngày để thẩm định hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét có tiến hành điều tra hay không. Trong trường hợp cần thiết, việc xem xét khởi xướng quyết định điều tra có thể được gia hạn nhưng không quá 30 ngày.

Nhóm chuyên gia SSI cho rằng, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá có thể giúp bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thép mạ kẽm trong nước như HSG, NKG, GDA, HPG trước các sản phẩm nhập khẩu.

Đáng chú ý, theo dữ liệu từ Cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,16 triệu tấn thép mạ kẽm trong năm 2023 và khoảng 960.000 tấn trong năm 2022, tương đương khoảng 27% và 22% tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ của toàn ngành vào năm 2023 và 2022. Số lượng này có thể bao gồm cả thép tấm chất lượng cao mà các công ty Việt Nam chưa sản xuất được.

Trong trường hợp Bộ Công thương đồng ý mở cuộc điều tra thì quá trình điều tra có thể kéo dài 12-18 tháng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Như vậy, việc áp thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng sớm nhất vào cuối năm 2025. Vì vậy, SSI cho rằng tin tức này chưa có tác động đáng kể trong năm tới.

Về biện pháp bảo hộ từ Liên minh các nước châu Âu nhằm hạn chế nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác bao gồm Việt Nam, SSI cho biết, Liên minh châu Âu đã đề xuất gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu thêm 2 năm nữa, tức là đến hết tháng 6/2026.

Ngoài ra, Liên minh châu Âu đang đề xuất giới hạn hạn ngạch nhập khẩu HRC đối với mỗi quốc gia trong hạng mục “các quốc gia khác” ở mức 15% tổng hạn ngạch phân bổ cho hạng mục này. Thay đổi này cần được các quốc gia thành viên chấp thuận vào tháng 6 trước khi được áp dụng chính thức.

Đơn vị phân tích dữ liệu từ hải quan châu Âu, hạn ngạch cho danh mục biện pháp tự vệ của các nước ngoài liên minh là 3,7 triệu tấn vào năm 2023. Do đó, mức trần 15% sẽ tương đương với giới hạn khoảng 550.000 tấn/năm cho mỗi quốc gia, tức là khoảng 50% khối lượng xuất khẩu thực tế của Việt Nam sang châu Âu trong năm 2023. Phần sản lượng vượt hạn ngạch sẽ chịu mức thuế 25%.

Thị trường châu Âu lần lượt chiếm 10% và 37% tổng doanh thu xuất khẩu của HPG vào năm 2022 và 2023. Thị trường này cũng chiếm lần lượt 2,1% và 10,7% tổng doanh thu của HPG trong năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, SSI cho rằng HPG đang mở rộng sang các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, châu Phi và Bắc Mỹ, điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào.

Điều tra chống bán giá thép: Doanh nghiệp trong nước phản ứng thế nào?

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, trước câu hỏi cổ đông về việc đề xuất điều tra chống bán giá thép cán nóng, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, không thể chấp nhận được việc sản xuất trong nước có 6,7 triệu HRC mà nhập khẩu lên tới 9,6 triệu tấn HRC trong năm 2023.

"Không một nước nào trên thế giới này chấp nhận lượng thép nhập khẩu lại lớn hơn sản xuất trong nước. 30 năm trước Việt Nam chỉ sản xuất có 300.000 tấn thép và chưa có tên trên bản đồ thép thế giới thì nay đã tự hào khi đã có tên trên bản đồ, đặc biệt là sản xuất được thép chế tạo, thép cao cấp. Hiện, Việt Nam cũng là nước sản xuất thép lớn nhất ASEAN với trên 20 triệu tấn", ông Long chia sẻ.

Báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam tháng 12/2023 cho thấy, sản lượng thép cán nóng Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán nội địa trong năm 2023 chỉ đạt 3,4 triệu tấn, được phân bổ cho các công ty sản xuất tôn mạ và ống thép. Như vậy, cung trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Hiện nay, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép phải nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác nhau để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

Phía Hoa Sen Group cho rằng: "Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán HRC cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam với giá cao hơn giá chúng tôi nhập khẩu HRC, từ 10 – 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40 – 50 USD/tấn, nhưng giá bán dù cao như vậy, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán".

SSI: Áp dụng biện pháp chống bán phá giá có thể bảo vệ các "ông lớn" ngành thép - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thống kê các dữ liệu liên quan, theo tính toán của Hoa Sen Group, biên độ phá giá chỉ 1,26% và đơn vị này cho rằng sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đang không bán phá giá.

Chính vì vậy, Tôn Hoa Sen cho rằng, vì cung HRC trong nước hiện chỉ đáp ứng được 30% so với nhu cầu HRC tại Việt Nam nên không có chuyện thừa cung trong nước. Do đó các doanh nghiệp tôn mạ vẫn phải mua nhập khẩu, và hiện tại các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Việt Nam không đối mặt với sự thiệt hại nào từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc và đề xuất không áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Linh Anh
Cùng chuyên mục