Câu lạc bộ lãi nghìn tỷ quý 1 đã gọi tên 22 doanh nghiệp, vị trí quán quân đã đổi chủ
Hàng quý, cứ đến mùa báo cáo tài chính, ngoài những thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng không quên nhớ tới Câu lạc bộ lãi nghìn tỷ - câu lạc bộ danh giá ghi tên các doanh nghiệp báo lãi nghìn tỷ trên sàn.
Quý 1 năm nay câu lạc bộ đã ghi danh 22 cái tên, trong đó có những cái tên quen thuộc, cũng có những cái tên lần đầu xuất hiện ngay từ quý 1.
Vị trí quán quân đã đổi chủ: Hòa Phát lần đầu tiên đứng TOP
Từ vài năm nay khi Vinhomes (VHM) lên sàn, doanh nghiệp này đã chiếm luôn vị trí quán quân về lợi nhuận của VietcomBank – và luôn duy trì vị trí dẫn đầu từ đó đến nay. Tuy nhiên quý 1 năm nay, vị trí quán quân về lợi nhuận đã đổi chủ. Thậm chí, thứ tự về bảng xếp hạng các doanh nghiệp lãi lớn cũng có nhiều bất ngờ.
Hòa Phát (HPG) lần đầu tiên vượt mặt cả Vinhomes, Vietcombank, VietinBank đứng TOP với hơn 7.005 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế ngay quý 1/2021, tăng gấp 3 lần lợi nhuận đạt được quý 1 năm ngoái. Đây cũng là quý thứ 7 liên tiếp lợi nhuận của Hòa Phát tăng trưởng so với quý trước đó. Cùng với vị trí quán quân về lợi nhuận, cổ phiếu HPG cũng tăng mạnh với tỷ lệ tăng 52% kể từ đầu năm 2021, đang giao dịch ở vùng đỉnh.
Hai vị trí tiếp theo thuộc về ViecomBank và VietinBank. Vinhomes sau nhiều quý đứng TOP, quý 1 năm nay đã bất ngờ mất đi vị trí quán quân, thậm chí bị đẩy xuống vị trí thứ 4 với 5.478 tỷ đồng lợi nhuận sau thuê, giảm 28% so với cùng kỳ.
Nhóm ngành ngân hàng đóng góp 12 thành viên
Nhóm ngành ngân hàng vẫn là nhóm ngành đóng góp nhiều cái tên nhất vào câu lạc bộ này. Ngay từ quý 1 này nhóm ngành ngân hàng đã đóng góp đến 12 cái tên. Trong đó có nhiều cái tên được ghi danh ngay từ quý 1, còn quý 1 năm ngoái thì không.
Quán quân lợi nhuận quý 1 vẫn thuộc về Vietcombank (VCB) với hơn 6.900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng trên 65% so với quý 1 năm ngoái. Đứng thứ 2 trong nhóm ngân hàng là ViettinBank với 6.472 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 169% so với cùng kỳ. Xếp thứ 3 là TechcomBank với 4.476 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Có 4 cái tên mới so với quý 1 năm ngoái là là VIB với 1.446 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 68% so với cùng kỳ. SHB với 1.330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 116% so với quý 1/2020. TienphongBank (TPB) báo lãi tăng 40,6% so với cùng kỳ, lên 1.138 tỷ đồng. Còn OCB vừa đủ chỉ tiêu ghi danh vào câu lạc bộ với 1.012 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế 886 tỷ đồng.
Xét về số thứ tự, quý 1 năm nay đã có nhiều thay đổi so với cùng kỳ trong nhóm ngân hàng. VietcomBank vẫn duy trì vị trí thứ nhất, nhưng vị trí thứ 2 đã thay đối. Quý 1 năm ngoái TechcomBank đứng thứ 2 và VPBank (VPB) đúng thứ 3.
Dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhóm ngành ngân hàng cũng có lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh nhất thuộc về ViettinBank với tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận 169%. Tiếp đến là SHB với 116% và MBB với hơn gấp đôi. Ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận ít nhất là OCB cũng đạt tỷ lệ hơn 14%.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng. Loạt cổ phiếu nhóm này đang giao dịch ở vùng đỉnh của nhiều năm trở lại đây. Cổ phiếu TCB tăng 49% từ đầu năm; VPB tăng 89% từ đầu năm. VIB tăng 81%, ACB tăng 28%, SHB tăng 58% và MBB trở lại đỉnh của 3 năm trước, quanh mức 31.600 đồng/cổ phiếu.
Nhiều cái tên quen thuộc vẫn tiếp tục ghi danh
Những cái tên quen thuộc khác thường xuyên có mặt trong câu lạc bộ danh giá này còn có Vinamilk (VNM) với gần 2.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 6% so với cùng kỳ.
Hai cái tên thường đi với nhau: FPT và MWG của Thế giới di động cùng góp mặt vào câu lạc bộ. Trong đó Thế giới di động đạt 1.339 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 18% so với cùng kỳ còn FPT báo lãi 1.151 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, FPT cũng là cái tên được ghi danh từ quý 1 năm nay, trong khi đó quý 1 năm ngoái doanh nghiệp này không được ghi danh.
Nhóm ngành cao su chỉ góp 1 cái tên là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) với 1.216 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 3,6 lần lợi nhuận đạt được trong quý 1 năm ngoái.
PVGas (GAS) cũng ghi nhận lãi sau thuế hơn 2.057 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua, giảm 12% so với quý 1 năm ngoái. PVGas cũng là một trong những cái tên thường xuyên ghi danh trong câu lạc bộ lãi nghìn tỷ hàng năm.
Tổng công ty Máy động lực và máy công trình (VEAM – VEA) công bố số lãi sau thuế 1.446 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Phần lớn lợi nhuận của VEAM đến từ các công ty liên doanh liên kết.
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là cái tên đáng chú ý nhất. Quý 1 năm ngoái doanh nghiệp ghi nhận số lỗ hơn 2.348 tỷ đồng, trong đó quý 1 vừa qua lãi sau thuế 1.848 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng trưởng so với quý liền trước.
Còn nếu so với cùng kỳ năm trước, phần lớn những doanh nghiệp trong câu lạc bộ lãi nghìn tỷ đều có lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ, số doanh nghiệp có lãi giảm sút không nhiều.
Có thể điểm danh những doanh nghiệp báo lãi quý 1/2021 giảm sút so với cùng kỳ như Vinhomes, như Vinamilk, như PVGas. Số còn lại đều có lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Điểm danh những "tân binh" so với cùng kỳ
Quý 1/2020 câu lạc bộ lãi nghìn tỷ chỉ có 16 thành viên và quý 1 năm nay đã tăng thêm 6 thành viên, lên tổng số 22 đơn vị. Những cái tên mới trong nhóm ngành ngân hàng có VIB, SHB, TPB, OCB, ngoài ra còn Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), và FPT.
Bên cạnh đó, ACV – doanh nghiệp ngành hàng không quý 1 năm ngoái được ghi danh vào câu lạc bộ, nhưng quý này thì lại không. Đáng tiếc cho ACV, khi nếu xét theo tiêu chí lợi nhuận trước thuế thì ACV đạt nhưng lợi nhuận sau thuế thì không.
Những cái tên để lại nhiều tiếc nuối
Ngoài ACV, vẫn còn vài cái tên để lại tiếc nuối khi báo lãi trước thuế trên nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại chưa đạt chỉ tiêu như PLX, MCH của Masan Consumer.
Đáng tiếc hơn cả vẫn là Sabeco (SAB) với số lãi sau thuế quý 1/2021 đạt 986 tỷ đồng, xem như đã bước chân đến cửa nhưng vẫn chưa được ghi danh.
Khép lại mùa báo cáo tài chính quý 1, các nhà đầu tư lại tiếp tục chờ kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp. Nhiều triển vọng được đặt ra, nhiều chính sách được hỗ trợ cũng là niềm hy vọng của các doanh nghiệp dù vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.