CEO Tuấn Trần và mục tiêu tiết kiệm điện năng toàn Đông Nam Á với AirIoT

28/05/2020 17:20 GMT+7
Giải pháp đơn giản của AirIoT đã được thí điểm tại 500 phòng trên khắp Việt Nam đã cho thấy mức tiết kiệm điện mỗi tháng là 25-40%, tương đương với việc giảm lượng khí thải carbon liên quan.

AirIoT của Founder Tuấn Trần là một trong 2 startup vừa giành chiến thắng trong cuộc thi "Thử thách lối sống Carbon thấp Châu Á Thái Bình Dương" do UNEP tổ chức.

Năm nay, tại hạng mục Sáng kiến Năng lượng sạch, Công ty khởi nghiệp AirIoT của Founder Tuấn Trần đang hướng đến thị trường khách sạn và homestay tại Việt Nam, nơi khách có xu hướng mở điều hòa ngay cả khi họ không ở trong phòng. Giải pháp đơn giản của AirIoT, đã được thí điểm tại 500 phòng trên khắp Việt Nam đã cho thấy mức tiết kiệm điện mỗi tháng là 25-40% tương đương với việc giảm lượng khí thải carbon liên quan.

CEO Tuấn Trần và mục tiêu tiết kiệm điện năng toàn Đông Nam Á với AirIoT - Ảnh 1.

Tuấn Trần, CEO và sáng lập của AirIoT

Cuộc thi "Thử thách lối sống Carbon thấp Châu Á – Thái Bình Dương" là một sáng kiến do Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ, như một phần của mạng lưới Một hành tinh (mạng lưới của Chương trình 10 năm về tiêu dùng và sản xuất bền vững (10 YFP). Các đối tác bao gồm Hội nghị bàn tròn châu Á Thái Bình Dương về tiêu thụ và sản xuất bền vững, Quỹ trái đất khổng lồ, Viện chiến lược môi trường toàn cầu, Mitsui Chemicals International và GCL Power.

Các doanh nghiệp tham gia đến từ Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam đều đang điều hành các doanh nghiệp xanh trong các lĩnh vực năng lượng sạch, ngăn chặn chất thải nhựa và phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Bên cạnh việc được đào tạo, cố vấn kinh doanh và phân tích kỹ thật về các tác động môi trường của dự án, mỗi người chiến thắng nhận được 10.000 đô la tài trợ.

Dechen Tsering, Giám đốc khu vực của UNEP, Châu Á và Thái Bình Dương, cho biết, đại dịch COID-19 đã khiến cho nhiều hoạt động của con người bị đình trệ, bao gồm cả những hoạt động gây thiệt hại đáng kể cho môi trường ở châu Á. Thông qua những bài học từ cuộc khủng hoảng này, chúng ta cần xem xét lại mối quan hệ với thiên nhiên và xây dựng lại một nền kinh tế có trách nhiệm với môi trường hơn. Các doanh nhân ở châu Á sẵn sàng với các giải pháp kinh doanh sáng tạo để phục hồi kinh tế và môi trường. Chương trình "Asia-Pacific Low Carbon Lifestyles Challenge" sẽ giúp họ vượt qua các rào cản hệ thống mà các sáng kiến thường gặp phải, với các khoản tài trợ, quan hệ đối tác, đào tạo và tầm nhìn.

Từ mong ước trở thành Iron Man đến trí tuệ nhân tạo

Từ nhỏ, Trần Nguyễn Duy Tuấn (Tuấn Trần) thích xem phim khoa học viễn tưởng và đặc biệt yêu thích siêu anh hùng Iron Man. Vì vậy, trong đầu anh đã dần hình thành tư tưởng, khi lớn lên phải "chế" được những sản phẩm riêng và thật đặc biệt.

CEO Tuấn Trần và mục tiêu tiết kiệm điện năng toàn Đông Nam Á với AirIoT - Ảnh 2.

Tuấn chia sẻ rằng, anh có một người bạn tên Khanh, cả hai có chung đam mê và sở thích. Khi lên cấp 3, đôi bạn bắt đầu chế tạo những thiết bị nhà thông minh và bắt đầu làm trợ lý ảo giống như trong phim Iron Man.

Đến năm 2016, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Tuấn và Khanh tìm kiếm nhà đầu tư hỗ trợ nguồn lực để có thể phát triển tiếp Dự án Nhà thông minh điều khiển hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo, nhưng không nhận được bất kỳ sự quan tâm nào.

Sau đó, tình cờ Tuấn gặp được anh Đức, chủ công ty chuyên hỗ trợ các start-up. Anh Đức đồng ý hỗ trợ cho Dự án, nhưng sau một thời gian tiếp tục triển khai, nhận thấy có quá nhiều thử thách về mặt công nghệ, Tuấn và Khanh quyết định dừng lại. Khanh đi học đại học, Tuấn đỗ FPT nhưng được một tháng rồi bỏ dở.

Nói về quãng thời gian đó, Tuấn cho rằng không nên bỏ học nhưng cũng cần biết đâu là đam mê của mình. Để tự học và làm việc, Tuấn đã học thêm tiếng Anh, học thêm nhiều điều từ các anh chị đi trước, tự tìm kiếm những kiến thức mình cần mà không ai có thể làm giúp... Tuấn tự nhận mình trưởng thành hơn và có kiến thức hơn.

Sản phẩm thông minh Airiot khởi nghiệp từ tương lai

Qua nghiên cứu, Tuấn và các cộng sự thấy rằng không chỉ ở nước ngoài mà cả Việt Nam, vấn đề điện năng luôn quan trọng và luôn tạo ra một vòng tròn lặp lại: Trái đất nóng lên - sử dụng các thiết bị làm mát nhiều - thải ra khí nóng - trái đất lại nóng lên. Vì vậy, giải pháp giảm thiểu vòng tròn đó luôn thôi thúc các thành viên của Airiot. Họ đã mất khoảng 4 năm để hiện thực hóa ý tưởng.

Khi đó, anh Đức kinh doanh một số phòng nghỉ thông qua Airbnb - ứng dụng kết nối trực tiếp người có phòng cho thuê với người thuê phòng. Nhiều khách thuê phòng của anh thường không tắt các thiết bị điện trước khi ra khỏi phòng. Tuấn và Khanh tìm cách giải quyết vấn đề này bằng IoT và nghiên cứu được một thiết bị đóng ngắt điện tự động phiên bản đầu tiên. Đội ngũ cũng nghiên cứu thị trường và nhận thấy, ở Việt Nam, từ hộ gia đình đến các đơn vị kinh doanh đều gặp vấn đề về việc sử dụng tiết kiệm điện năng.

Mặc dù đã làm ra được thiết bị đóng ngắt điện tự động, nhưng sản phẩm ban đầu chưa thực sự phù hợp với các chủ nhà cho thuê trên Airbnb. Nhóm của Tuấn đã mất thêm 2 năm nghiên cứu, tìm hiểu, chỉnh sửa để cho ra đời phiên bản khá hoàn chỉnh như hiện nay.

Tháng 8/2018, Airiot được Christina's - một start-up trong ngành du lịch hỗ trợ để có thể thử sản phẩm ở các căn nhà của họ và cung cấp nguồn lực để Tuấn và Khanh có thể phát triển sản phẩm hoàn chỉnh.

Sau đó, nhóm có thêm 2 thành viên tham gia và Airiot được thành lập, cung cấp giải pháp tiết kiệm điện cho chủ nhà Airbnb với hệ thống thông minh, giúp đóng ngắt thiết bị tự động khi khách ra ngoài, tiết kiệm tối đa điện năng.

Airio hoạt động thế nào?

Sản phẩm của Airiot bao gồm 2 thiết bị điều khiển qua bluetooth được đồng bộ với nhau. Trong đó, thiết bị đóng ngắt (Airswing) sẽ được lắp đặt cùng với thiết bị điện còn thiết bị phát sóng (Airfob) được móc chung với chìa khoá nhà và tự hoạt động.

CEO Tuấn Trần và mục tiêu tiết kiệm điện năng toàn Đông Nam Á với AirIoT - Ảnh 3.

Airswing (bên trái) và Airfob (bên phải) được kết nối với nhau bởi bluetooth. Ảnh: Airiot.

Airfob sẽ kết nối với Airswing, khi Airfob không còn phát ra tín hiệu thì Airswing sẽ tự ngắt điện của thiết bị điện. Bộ thiết bị này thích hợp với một số sản phẩm trong các Airbnb như máy lạnh, tủ lạnh, đèn điện.

Airiot đã có 10 tháng thử nghiệm sản phẩm trên 100 căn hộ cho thuê, kết quả mỗi tháng các căn hộ này tiết kiệm 25% tiền điện. Hiện dự án đã nhận 300 đơn hàng và dự định giao hàng vào tháng 9/2019. Giá bán sản phẩm một triệu đồng/bộ được bảo hành một năm, trong đó riêng giá Airfob khoảng 100.000 đồng. 

Tuấn Trần đặt kỳ vọng trong năm 2020 và năm 2021, Airiot sẽ bắt đầu lan rộng khắp Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hội An, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang. Không dừng lại ở đó, Airiot đặt mục tiêu hiện diện ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia.

Tuấn xác định với tầm nhìn về năng lượng của Airiot, dự án này sẽ giải quyết vấn đề năng lượng cho các thị trường khác khi đủ lớn mạnh như homestay, khách sạn, nhà máy, trường học và cuối cùng là nhà ở. Đồng thời, các thành viên trong Airiot còn đang nghiên cứu phát triển tính năng đo điện năng tiêu thụ, đo thời gian khách ra ngoài, thời gian lau dọn trong phòng để thiết bị có thể gửi dữ liệu về máy chủ, giúp người chủ quản lý tốt hơn.

Mai Lan
Cùng chuyên mục