Chào sàn, cổ phiếu BAF liên tục tăng trần, BAF Việt Nam chi gần 150 tỷ mua lại RICO Tây Ninh

11/12/2021 15:57 GMT+7
Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa công bố phương án mua lại 99% vốn RICO Tây Ninh. Từ sau khi chào sàn, cổ phiếu BAF liên tục tăng trần.

Theo đó, BAF Việt Nam mua lại 50% vốn Công ty CP RICO Tây Ninh, tương ứng 7,5 triệu cổ phần từ ông Hoàng Giáo với giá nhận chuyển nhượng 10.000 đồng/cổ phiếu.

BAF Việt Nam mua lại 49% vốn RICO Tây Ninh, tương ứng 7,35 triệu cổ phần từ Công ty TNHH Rico Việt Nam cùng tổng giá trị chuyển nhượng theo mệnh giá là 73,5 tỷ đồng.

Công ty giao bà Bùi Hương Giang, Tổng giám đốc đồng thời là cổ đông nắm 13,26% vốn công ty thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần và hoàn tất các thủ tục liên quan.

 Xét về tình hình kinh doanh, quý III doanh thu thuần của BAF Việt Nam tăng gấp 2 so với cùng kỳ, lên 3.814 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng nhanh 123%, khiến lãi gộp doanh nghiệp chỉ đạt 72 tỷ đồng, tăng 57%.

Trong kỳ, doanh thu họat động tài chính quanh quẩn mức dưới 1 tỷ đồng; chi phí lãi vay giảm 92% về còn 2 tỷ; chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp lần lượt tăng mạnh 869% và 207%.

Kết quả, doanh nghiệp báo lãi ròng 44 tỷ đồng, tăng 368% so với cùng kỳ. 

Chuyển dịch từ nông sản thuần túy sang chăn nuôi,  BAF Việt Nam báo lãi ròng tăng 731% sau 9 tháng - Ảnh 1.

Giải trình thêm cho kết quả kinh doanh, phía BAF cho biết, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 và  yếu tố không thuận lời từ thị trường thịt lợn nhưng do kiểm soát được chi phí cũng như đảm bảo được năng suất đàn lợn nên kết quả kinh doanh hợp nhất vẫn ghi nhận được kết quả tích cực.

Mặt khác, do năm 2021, BAF chuyển dịch mạnh mẽ từ hoạt động kinh doanh nông sản thuần túy sang ngành chính là chăn nuôi nên tỷ suất lợi nhuận cũng tăng theo.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, BAF ghi nhận 9.065 tỷ đồng doanh thu, tăng 8% so với năm 2020. Lãi sau thuế đạt 245 tỷ đồng, tăng 731%.

Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản BAF có hơn 7.483 tỷ đồng, tăng 2.200 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng nói, phần lớn tài sản lại nằm bên ngoài công ty.

Theo đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên đến 4.814 tỷ đồng, tăng 1.233 tỷ đồng, tương đương 34% so với hồi đầu năm và chiếm tới 64% tổng tài sản.

Hàng tồn kho 1.186 tỷ đồng, chủ yếu là hàng hóa và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng từ 85 tỷ đồng lên 541 tỷ đồng. Trong đó, BAF đang nắm giữ 2,6 triệu cổ phần Cảng Quảng Ninh với giá trị hơn 65 tỷ đồng.

Nợ phải trả BAF là 6.106 tỷ đồng, tăng gần 1.500 đồng so với đầu năm. Chiếm phần lớn là các khoản phải trả người bán ngắn hạn với 5.618 tỷ đồng. 

Ngày 3/12, 78 triệu cổ phiếu BAF chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh với giá khởi điểm 20.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi lên sàn, cổ phiếu BAF liên tục "tím ngắt" bất chập thị trường đảo chiều.

Đóng cửa phiên ngày 10/12, cổ phiếu BAF chốt ở mức 33.500 đồng chốt, tăng 67,5%.

CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn từ năm 2017. Thương hiệu BAF (Feed – Farm – Food) cũng là chiến lược của công ty khi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến. Theo kế hoạch đến năm 2024, tổng đàn nái của công ty sẽ nâng lên ở mức khoảng 45.300 con, đáp ứng nhu cầu con giống để nuôi lợn thịt với quy mô trên 1,1 triệu con.

Tính đến cuối năm 2020, vốn góp của BAF là 500 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông bao gồm bà Bùi Hương Giang nắm giữ 80% vốn, bà Vũ Thùy Dung 10% vốn và ông Nguyễn Anh Tuấn 10% vốn. Tuy nhiên, đến tháng 6/2021, có sự biến động khi bà Giang giảm tỷ lệ sở hữu về còn 50%, bà Vũ Thùy Dung thoái hết toàn bộ vốn, ở chiều ngược lại có sự xuất hiện của ông Phan Ngọc Ấn nắm giữ 30% vốn và ông Lê Xuân Thọ 10%.

Hiện, BAF Việt Nam có 14 trại nuôi heo thịt và heo giống như trại 1.200 nái cụ kỵ tại Bình Phước, trại 2.400 nái tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trại 2.400 nái tại Bình Thuận…

Đến cuối tháng 9/2021, BaF Việt Nam có 11 công ty con, 1 công liên kết và 1 công ty liên doanh.


An Vũ
Cùng chuyên mục