Chỉ báo nào cho nền kinh tế khi giá đồng chạm đỉnh?

12/05/2021 09:10 GMT+7
Vốn là kim loại quan trọng trong ngành kinh tế năng lượng cũ, đồng được nhận định vẫn sẽ đóng vai trò trụ cột với nền kinh tế xanh tương lai.

Đồng hay “dầu mỏ mới” của kinh tế xanh

Vào cuối tuần trước, giá đồng đã tăng lên mức cao kỷ lục lần đầu tiên trong một thập kỷ, được thúc đẩy bởi kỳ vọng của thị trường vào đà phục hồi kinh tế toàn cầu kéo theo nhu cầu kim loại đỏ trong các ngành năng lượng, sản xuất và xây dựng.

Trong phiên giao dịch hôm 7/5, giá đồng giao sau trên sàn giao dịch Comex ở New York đã tăng lên mức kỷ lục 4,75 USD/ pound, vượt qua mức đỉnh 4,63 USD/ pound hồi năm 2011. Trên sàn London cùng ngày, giá đồng giao sau kỳ hạn 3 tháng tăng lên 10.417 USD/ tấn , vượt qua mức cao nhất mọi thời đại trước đó là 10.160 USD hồi tháng 2/2011.

Luke Sadrian, giám đốc đầu tư tại quỹ Commodities World Capital LLP (trụ sở London) dự báo kim loại đỏ có triển vọng tăng giá lên 11.500 đến 12.000 USD/ tấn trong vài tháng tới khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ hơn. Trên thị trường Mỹ, các đề xuất khí hậu và gói chi tiêu cơ sở hạ tầng của chính quyền Tổng thống Biden cũng làm tăng kỳ vọng về giá đồng.

Đồng thậm chí còn được ví như một loại “dầu mỏ mới” với ngành kinh tế xanh mà các chính phủ toàn cầu đang hướng đến. Nhà phân tích hàng hóa Nicholas Snowdon từ Goldman Sachs nhận định rằng cáp đồng vẫn sẽ là vật liệu tiết kiệm chi phí nhất dùng trong truyền tải năng lượng điện tái tạo. “Nếu không có đồng, sẽ chẳng có quá trình giảm thải carbon nào cả”. 

Cả Goldman Sachs và Trafigura Group, nhà kinh doanh đồng hàng đầu thế giới đều có chung nhận định rằng giá đồng hoàn toàn có thể vượt mốc 15.000 USD trong những năm tới cùng với xu hướng chuyển dịch sang sử dụng năng lượng xanh. 

Bank of America (BoA) mạnh mẽ hơn khi đưa ra dự báo 20.000 USD/ tấn với giá đồng do nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. 

Chỉ báo nào cho nền kinh tế khi giá đồng chạm đỉnh? - Ảnh 1.

Chỉ báo nào cho nền kinh tế khi giá đồng chạm đỉnh?

Cung kim loại đồng vốn đã đối diện nhiều sức ép kể từ khi kinh tế toàn cầu phục hồi từ đại dịch Covid-19. Tình hình có thể trở nên căng thẳng hơn do nhu cầu năng lượng xanh được dự báo tăng gấp 5 lần trong thập kỷ tới, từ mức 3% năm 2020 lên 16% vào năm 2030, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt đồng. 

Ước tính, một chiếc xe điện cần dùng khối lượng đồng nặng tới 180 pound, tức gấp 4 lần so với một chiếc xe công suất tương tự bằng động cơ đốt trong. Tính trên mỗi MWh điện, các tuabin gió trên bờ cũng cần lượng đồng gấp khoảng 4 lần so với đơn vị sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch tương ứng. Lượng đồng cần thiết cho các tuabin gió ngoài khơi thậm chí còn lớn hơn nữa, do cần thêm dây cáp truyền tải điện năng vào bờ.

Trong ngắn hạn, chiến lược gia hàng hóa Michael Widmer từ BoA cho rằng giá đồng sẽ chạm mức 6 USD/ pound ngay trong năm nay. 

Chỉ dẫn nào cho các nhà đầu tư khi giá đồng chạm đỉnh?

Trên thị trường, cổ phiếu của các nhà khai thác đồng đã tăng mạnh trong suốt năm qua khi giá kim loại đỏ tăng 114,9% so với mức đáy hồi tháng 3/2020, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Chỉ riêng từ đầu năm, giá đồng tăng 28,1%. Đà tăng được dự báo chưa dừng lại.

Các nhà đầu tư ưa thích đồng thường giao dịch thông qua hai kênh: quỹ trao đổi Global X Copper Miners (COPX) nắm giữ cổ phiếu các nhà khai thác đồng và quỹ Chỉ số Đồng Mỹ (CPER) cho phép trực tiếp mua bán kim loại đỏ thông qua quyền sở hữu hợp đồng tương lai. 

Nhà phân tích Chris LaFemina của Jefferies nhận định rằng thông thường, trên thị trường hàng hóa, mức giá tăng cao thường tạo nên động cơ để các nhà cung cấp tạo ra sản lượng lớn hơn. Nhưng trong trường hợp kim loại đồng, giá có thể phải chạm tới mức 6 USD/ pound mới có thể khuyến khích nhà khai thác tăng cường công suất sản xuất do những hạn chế nhất định về nguồn cung. 

Mỗi năm, các mỏ đồng trên toàn cầu sản xuất được khoảng 21 triệu tấn đồng, tương đương 45 tỷ pound. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2 triệu tấn đồng trong đó là từ các nguồn cung mới được phát triển. Một số dự án mỏ đồng mới được kỳ vọng tạo ra sản lượng cao nhưng hiện bị trì hoãn do vấn đề giấy phép và tác động môi trường. 

Sức ép về nguồn cung đồng đang mang lại lợi ích cho các công ty khai thác như Freeport-McMoRan, First Quantum Minerals và Southern Copper.

Với các mỏ kim loại trải dài trên ba lục địa, nhà khai thác kim loại hàng đầu của Mỹ Freeport-McMoRan (FCX) dự kiến sẽ sản xuất gần 4 tỷ pound đồng trong năm nay. Cổ phiếu FCX gần đây đã tăng lên mức 44 USD và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhà phân tích LaFemina của Jefferies kỳ vọng mức giá mục tiêu cho FCX vào năm 2022 là 55 USD/ cổ phiếu. 

Nhà khai thác First Quantum ((FQVLF) có trụ sở tại Canada sở hữu ba mỏ khai thác chính, một ở Panama và hai ở Zambia, tạo ra sản lượng đồng hàng năm bằng khoảng 50% so với Freeport. Cổ phiếu FQVLF gần đây giao dịch ở mức 28 USD và vẫn đang được đánh giá ở mức Mua với giá mục tiêu 38 USD vào năm 2022. 

Với các hoạt động khai thác ở Mexico và Peru, Southern Copper (SCCO) có trữ lượng đồng rất lớn và chi phí sản xuất thấp. Cổ phiếu SCCO hiện giao dịch quanh mức 77 USD. Southern Copper đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng đồng vào năm 2028 so với mức sản lượng dự kiến năm 2021 là 2 tỷ bảng Anh.

Nhà phân tích Daniel Briesemann từ Commerzbank AG nhận định trên tờ Bloomberg: “Triển vọng dài hạn với giá kim loại đồng là quá tích cực”, giá sẽ chỉ tăng trong những năm tới. Khi đồng được đánh giá có tiềm năng tăng giá trong dài hạn, vẫn còn thời gian cho các nhà đầu tư tham gia cuộc chơi kim loại đỏ.


NTTD
Cùng chuyên mục