Nhiều nước châu Âu dần mở cửa kinh tế
Với 200 triệu liều được tiêm, Liên minh châu Âu (EU) đang trên đường đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thành vào mùa hè này, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Trong bối cảnh đó, một số nước châu Âu bắt đầu mở cửa lại dần nền kinh tế. Chẳng hạn như tại Tây Ban Nha, lệnh giới nghiêm vào những ngày cuối tuần nhằm phòng chống Covid-19 đã được dỡ bỏ.
Trong khi đó, bãi biển công cộng và trường học ở Hy Lạp được mở cửa lại. Ireland dỡ bỏ các hạn chế đi lại trong nước và bắt đầu mở cửa ngành bán lẻ không thiết yếu. Đức sẽ nới lỏng hạn chế đối với người được tiêm chủng đầy đủ hoặc hồi phục sau nhiễm Covid-19; dỡ bỏ các quy định giới nghiêm và cách ly...
Cyprus nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 10-5, đồng thời triển khai một hệ thống cho phép người dân đi lại tự do. Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson bật đèn xanh cho việc tiếp tục nới lỏng hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hướng tới mục tiêu đưa đất nước khỏi cảnh phong tỏa vào mùa hè này.
Một bãi biển hoạt động trở lại ở thủ đô Athens - Hy Lạp hôm 8-5.Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, một số quan chức lên tiếng cảnh báo mối đe dọa Covid-19 vẫn còn đó. "Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp không có nghĩa là chấm dứt các hạn chế" - Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Juan Carlos Campo viết trên tờ El Pais, đồng thời kêu gọi người dân hành xử "có trách nhiệm". Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng đất nước vẫn đang đối mặt thực tế Covid-19 u ám và nhấn mạnh cần tiếp tục duy trì tốc độ tiêm chủng.
Theo thống kê, khoảng 31,6% người trưởng thành tại 30 nước châu Âu đã được tiêm liều đầu tiên và 12% người được tiêm đầy đủ 2 liều. Nỗ lực tiêm chủng Covid-19 tại châu lục này sắp nhận được thêm cú hích sau khi bà Emer Cooke, Giám đốc Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) hôm 10-5 cho biết có thể phê duyệt sử dụng vắc-xin của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) cho trẻ từ 12-15 tuổi tại EU sớm nhất là trong tháng này.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc-xin của Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi tại Mỹ. Trước đó, vắc-xin này được FDA cho phép sử dụng khẩn cấp đối với người từ 16 tuổi trở lên. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi bước đi mới của FDA là diễn biến đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Trước mắt, cuộc chiến này vẫn còn gặp nhiều thách thức, nhất là sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại biến thể B.1.617 đang hoành hành ở Ấn Độ như "một biến thể đáng lo ngại", qua đó cho thấy nó đang trở thành mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Theo đài CNBC, biến thể này hiện xuất hiện tại khoảng 40 nước - trong đó có Mỹ, Anh, Singapore... Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể B.1.617.
Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho biết theo một số nghiên cứu sơ bộ, biến thể B.1.617 dễ lây lan hơn virus gốc. Ngoài ra, có một số bằng chứng cho thấy biến thể này có thể tránh được một số biện pháp bảo vệ do vắc-xin tạo ra. Tuy nhiên, theo bà Kerkhove, các mũi tiêm vắc-xin Covid-19 hiện nay vẫn được đánh giá là hiệu quả. Trong nỗ lực xoa dịu nỗi lo về B.1.617, Công ty BioNTech hôm 10-5 nhấn mạnh vắc-xin Pfizer-BioNTech không cần bất kỳ điều chỉnh nào lúc này để đối phó các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.