HSBC: Đây là thời điểm cần đánh giá lại sức khỏe của ngành ngân hàng Việt Nam

10/05/2021 16:49 GMT+7
Các chuyên gia HSBC mới đây vừa có báo cáo “Vietnam at a glance: What do banks’ balance sheets tell us?”, tạm dịch “Sơ lược về Việt Nam: Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng cho chúng ta biết điều gì?”.

Theo đó, HSBC cho rằng đây là thời điểm cần đánh giá lại sức khỏe của ngành ngân hàng Việt Nam như một tiêu chí cần thiết để nhìn nhận tổng thể nền kinh tế. Do một số hạn chế về dữ liệu, cơ quan này đã phân tích bảng cân đối kế toán của Big 4 - 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh trong nước bởi chúng chiếm tới một nửa tổng tín dụng trong toàn nền kinh tế.

Trong năm 2020, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh vẫn là mối quan tâm lớn với các nhà phân tích, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường lao động suy yếu. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đang giảm dần nhưng phần lớn lực lượng lao động vẫn đang làm việc trong lĩnh vực phi chính thức, đồng nghĩa với không được hưởng các quyền lợi an sinh xã hội.

Nhóm nghiên cứu của HSBC cũng xem xét hai chỉ số chính trong lĩnh vực ngân hàng là nợ xấu (NPL) và tỷ lệ vốn an toàn (CAR). Mặc dù nợ xấu trên bảng cân đối kế toán chỉ răng nhẹ vào năm 2020 nhưng rủi ro nợ xấu toàn hệ thống vẫn là nguy cơ lớn. Thêm vào đó, Việt Nam hiện là quốc gia ASEAN duy nhất chưa đáp ứng đầy đủ các quy định Basel II tiêu chuẩn.

Trên phương diện thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có triển vọng sáng nhưng còn nhiều rủi ro. Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát cách đây một năm, Việt Nam đã trải qua 3 tuần giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Cho tới nay, nhờ khả năng kiểm soát đại dịch, các chỉ số kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, xuất khẩu và sản lượng công nghiệp là hai động lực chính tạo đà cho tăng trưởng bền vững.

Cũng theo HSBC, áp lực lạm phát trong nước đã giảm bớt bất chấp giá dầu thế giới tăng. Điều này cảnh báo những rủi ro từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 vẫn còn tồn tại, có khả năng gây ra nhiều thách thức mới cho sự phục hồi kinh tế Việt Nam.

Giải mã những con số

Giới quan sát đều thừa nhận rằng Việt Nam đã vượt qua cú sốc đại dịch Covid-19 tương đối tốt. Nước ta là một trong ba nền kinh tế châu Á duy nhất ghi nhận tăng trưởng thực tế dương vào năm 2020 với mức tăng GDP 2,9%. 

Theo HSBC, dữ liệu từ báo cáo tài chính mới nhất cũng như báo cáo thường niên của Big 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất trong nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank) cho thấy những chỉ báo tốt về hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Thứ nhất, sự gia tăng mạnh mẽ của lĩnh vực cho vay tiêu dùng, cùng với mức nợ hộ gia đình tăng cao là mối quan tâm lớn. Chỉ tính riêng nhóm Big 4, tín dụng hộ gia đình đã tăng đáng kể từ mức 28% năm 2013 lên 46% năm 2020. Con số này tương đương mức tăng nợ hộ gia đình từ 25% GDP lên 61% GDP trong cùng kỳ. Mặc dù tăng trưởng nợ hộ gia đình có giảm đáng kể vào năm 2020, nhưng tỷ lệ nợ vẫn nhích lên.

HSBC: Việt Nam cần tiếp tục cải cách lĩnh vực ngân hàng - Ảnh 1.

Big-4 ngân hàng quốc doanh chiếm tới một nửa tổng tín dụng trong toàn nền kinh tế

Tính theo lực lượng lao động, tín dụng tiêu dùng thậm chí đã tăng vọt từ mức 41% tổng thu nhập vào năm 2013 lên tới hơn 100% tổng thu nhập vào năm 2020.

HSBC cảnh báo nợ tiêu dùng cao có khả năng thắt chặt chi tiêu tiêu dùng trong tương lai, đặc biệt khi thị trường lao động trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. 

Thực tế, mặc dù Việt Nam ghi nhận tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn các nước trong khu vực ở thời điểm đại dịch, nhưng thị trường lao động suy yếu vẫn là rủi ro lớn. Nhìn bề ngoài, các chỉ số lao động khá lạc quan với tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức cao nhất 2,7% năm 2020 xuống 2,4% vào quý I/2021. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong nền kinh tế vẫn thấp hơn khoảng 950.000 so với thời điểm trước đại dịch trong khi tiền lương bình quân chứng kiến mức sụt giảm đầu tiên sau nhiều năm. 

Ảnh hưởng đặc biệt trầm trọng ở lĩnh vực du lịch và sản xuất truyền thống. Ủy ban Du lịch Việt Nam ước tính tính gần 40% lao động trong ngành du lịch Việt Nam vẫn đang nhàn rỗi, số liệu đăng trên tờ Hanoi Times hôm 2/5 qua. Thêm vào đó, phần lớn lao động tại Việt Nam vẫn tập trung ở khu vực phi chính thức, tức là khó được đưa vào thống kê như lĩnh vực chính thức.

Do đó, mặc dù những hỗ trợ tài khóa của chính phủ bị hạn chế bởi gánh nặng nợ công trên GDP, các nhà nghiên cứu HSBC đánh giá rằng vẫn cần có kích thích tài chính giới hạn mục tiêu hướng đến các hộ gia đình, người lao động dễ bị tổn thương do đại dịch. Cấp thiết hơn, các khoản giải ngân, chẳng hạn hoãn thuế doanh nghiệp hay trợ cấp tiền mặt cho hộ gia đình cần được đẩy nhanh hơn nữa để kích thích sự phục hồi nhanh chóng trong tiêu dùng tư nhân.

Về cơ cấu nợ, theo phân tích của các chuyên gia HSBC, nợ ngắn hạn (dưới 1 năm) chiếm gần 60% tỷ lệ nợ trong nhóm Big 4 vào năm 2020. Cơ cấu nợ tương đối lành mạnh với 97% là ghi nợ trực tiếp và chỉ 1% được phân loại vào tài khoản lỗ. Điều này phù hợp với thống kê nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, chỉ tăng nhẹ từ mức 1,6% vào quý IV/2019 lên 2,1% vào quý III/2020.

Tuy nhiên, HSBC cảnh báo vẫn cần lưu ý đến rủi ro nợ xấu trên toàn hệ thống, chẳng hạn các khoản nợ đã bị bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Về phân bổ tín dụng theo lĩnh vực, nhà nước đã khuyến khích tăng cường tín dụng trong các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và thương mại.

Cuối cùng, HSBC cảnh báo Việt Nam cần tiếp tục cải cách trong lĩnh vực ngân hàng, vốn đã bị gián đoạn một phần do đại dịch. Nhìn qua lăng kính hệ số an toàn vốn (CARS), Việt Nam vẫn đang tụt hậu so với các nước trong khu vực khi chưa đáp ứng  tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% theo Basel II. Tại một số ngân hàng quốc doanh, hệ số CAR vẫn ở mức thấp.


NTTD
Cùng chuyên mục