Chi phí giá sản xuất Trung Quốc tăng kỷ lục, toàn cầu thêm rủi ro

15/10/2021 12:02 GMT+7
Tháng 9, lạm phát giá sản xuất ở Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 26 năm qua, áp lực lạm phát toàn cầu có nguy cơ tăng thêm nếu các doanh nghiệp địa phương chuyển “áp lực” lên người tiêu dùng.

Sức ép tăng giá

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 14/10, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 10,7% so với một năm trước đó, vượt mức dự báo và đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/1995, do giá than và các chi phí hàng hóa khác tăng vọt.

Hiện, vẫn có rất ít bằng chứng cho thấy các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng đang "chuyển" áp lực tăng giá đầu vào cho khách hàng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện đã giảm tốc so với tháng trước (0,7%). Tuy nhiên, việc đẩy áp lực tăng giá đầu vào sang giá thành hoàn toàn có thể xảy ra khi lợi nhuận của nhà sản xuất bị sụt giảm và Trung Quốc tăng giá điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.

Trên trang web của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), Thống đốc ngân hàng Yi Gang cho biết lạm phát của Trung Quốc là "vừa phải". Ông Yi nhấn mạnh chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt, có mục tiêu, hợp lý và thích đáng.

Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong, cho biết: "Khoảng cách giữa PPI và CPI ngày càng lớn đồng nghĩa với việc nhà sản xuất đối mặt với áp lực phải tăng giá sản phẩm đầu ra".

Khoảng cách giữa lạm phát sản xuất và tiêu dùng ở Trung Quốc đã tăng lên 10 điểm phần trăm từ 8,7 điểm trong tháng 8, mức lớn nhất kể từ năm 1993.

Chi phí giá sản xuất Trung Quốc tăng kỷ lục, toàn cầu thêm rủi ro - Ảnh 2.

Lạm phát giá sản xuất ở Trung Quốc tăng cao nhất trong vòng 26 năm qua.

PPI của Trung Quốc tăng vọt chủ yếu do giá than tăng và khủng hoảng năng lượng, theo NBS. Giá than tăng cao và các mục tiêu chính sách cắt giảm tiêu thụ năng lượng đã dẫn đến tình trạng thiếu điện. Hậu quả là Trung Quốc phải tiến hành phân bổ năng lượng và nhiều nhà máy ở hơn 20 tỉnh phải ngừng hoạt động trong tháng 9. Giá các mặt hàng khác như dầu thô cũng tiếp tục leo thang. Chỉ số Hàng hóa Bloomberg tăng 5% trong tháng.

Với việc giá than tăng cao ở mức kỷ lục và chính phủ cho phép tăng giá điện, áp lực lạm phát sẽ bắt đầu chuyển sang người tiêu dùng. Nhà sản xuất nước tương lớn nhất của Trung Quốc vừa cho biết họ có kế hoạch tăng giá bán lẻ các sản phẩm của mình. Ít nhất 13 công ty niêm yết trên thị trường cổ phiếu A của Trung Quốc đã công bố tăng giá trong năm nay. Trong khi đó, các nhà sản xuất lốp xe cho biết họ có kế hoạch áp dụng chính sách giá mới vào tháng 10, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông trong nước.

Zhaopeng Xing, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd., cho biết PPI có thể sẽ đạt 12% vào tháng 10 hoặc tháng 11 và đạt 7,5% trong cả năm. Theo ông, giá tiêu dùng sẽ tăng nhẹ ở mức 2% trong quý IV và đạt 0,9% trong năm 2021.

Lạm phát tại cổng nhà máy Trung Quốc tăng cao, khả năng gây rủi ro toàn cầu  - Ảnh 3.

Việc không có tác động đến CPI có nghĩa là Trung Quốc vẫn có khả năng nới lỏng tiền tệ khi nền kinh tế của nước này tăng trưởng chậm lại. Nhiều nhà kinh tế vẫn kỳ vọng Ngân hàng Trung ương cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng để thúc đẩy thanh khoản trong nền kinh tế. Hiện tại, lạm phát tiêu dùng vẫn trong tầm kiểm soát do giá thịt lợn giảm giúp giá thực phẩm giảm 5,2% trong tháng 9, so với một năm trước. CPI cốt lõi, bao gồm các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và năng lượng, vẫn không đổi và ở mức 1,2%.

Rủi ro toàn cầu

Năm nay, các quốc gia từ Châu Mỹ Latinh đến Châu Âu đều chứng kiến mức lạm phát giá tiêu dùng cao hơn bình thường. Dữ liệu của Mỹ công bố vào ngày 13/10 cho thấy CPI đã tăng 5,4% trong tháng 9 so với một năm trước đó, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã khẳng định phần lớn áp lực về giá là do tác động nhất thời của nền kinh tế toàn cầu đang vực dậy sau đại dịch.

Là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, giá cả của Trung Quốc là một yếu tố rủi ro đối với viễn cảnh lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn chung, các nhà kinh tế cho rằng mức độ ảnh hưởng chỉ ở mức khiêm tốn vì "giỏ" sản phẩm mà các quốc gia sử dụng để tính CPI có xu hướng chứa nhiều dịch vụ sản xuất trong nước hơn là hàng tiêu dùng đến từ quốc gia tỷ dân.

Alicia Garcia Herrero, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Natixis SA, chia sẻ trên Twitter: "Các sản phẩm đầu ra tiếp tục phải chịu chi phí đầu vào cao hơn do nhu cầu vẫn thấp. Thế giới sẽ không sớm nhập khẩu lạm phát từ Trung Quốc".

Trà Li
Cùng chuyên mục