Chia tay EU, Anh muốn chen chân vào CPTPP
Lời đề nghị được đưa ra trong bối cảnh Anh vừa hoàn tất quá trình Brexit ly khai khỏi khối EU. “Tham gia Hiệp định CPTPP sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Anh cũng như chính phủ Anh để thắt chặt quan hệ hợp tác thương mại với một số thị trường đang có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới” - bà Liz Truss tuyên bố.
“Điều này sẽ giảm bớt rào cản thuế quan cho các nhà sản xuất ô tô và rượu whiskey để thâm nhập thị trường thuận lợi hơn, đồng thời giúp các quốc gia trong hiệp định tiếp cận những nhà xuất khẩu Anh dễ dàng hơn, tạo thêm việc làm và gia tăng sự thịnh vượng cho người dân” - bà Liz Truss nói thêm.
“Đàm phán sẽ chính thức được khởi động trong vài tháng tới” sau khi Anh nộp đơn đề nghị gia nhập CPTPP vào ngày 1/2 tới đây.
Nếu được chấp nhận tư cách thành viên, Anh sẽ là quốc gia đầu tiên tham gia CPTPP ngoài nhóm các nước đã gắn bó với Hiệp định này từ giai đoạn đàm phán. CPTPP (tiền thân là TPP) từng được thúc đẩy bởi Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Obama, nhưng Tổng thống Trump kế nhiệm đã rút Mỹ khỏi Hiệp định này vào năm 2017. Từ đó, TPP đổi tên thành CPTPP với 11 quốc gia thành viên gồm Việt Nam, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia, Mexico, Chile, New Zealand, Peru và Canada.
Nói về ý định gia nhập CPTPP, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay đề nghị này phản ánh “kỳ vọng siết chặt tinh thần hợp tác với đối tác trên toàn cầu, dựa trên cơ sở những quy định mở cửa nhất”, cũng như thể hiện nỗ lực của Anh trong việc trở thành lá cờ đầu thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu. Anh hiện đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ hành động ly khai EU vội vã. Việc thỏa thuận thương mại Brexit được thông qua quá muộn, chỉ một tuần trước hạn chót ly khai đồng nghĩa với việc vô số doanh nghiệp bị gián đoạn khỏi chuỗi cung ứng liền mạch giữa EU và Anh trong nhiều thập kỷ nay. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã giáng thêm một đòn mạnh mẽ đưa nền kinh tế Anh tiếp tục chìm trong suy thoái. Dễ hiểu tại sao Anh tích cực thúc đẩy tiến trình gia nhập các hiệp định tự do mới để vực dậy nền kinh tế.
Cũng theo thông báo của Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss, bà Truss sẽ có cuộc họp mặt trực tuyến với người đồng cấp Nhật Bản và New Zealand là ông Yasutoshi Nishimura và ông Damien O'Conor vào ngày 1/2 tới.Ông Nishimura hiện là chủ tịch ủy ban TPP-11 nhiệm kỳ 2021. Sau cuộc họp này, Ủy ban TPP-11 sẽ tiến hành thảo luận để khởi động quy trình xét duyệt thành viên mới, mở ra các vòng đàm phán với chính phủ Anh quốc.
Theo Nikkei Asian Review, khả năng bổ sung thêm vương quốc Anh sẽ giúp mở rộng quy mô Hiệp định CPTPP lên hơn 16% GDP toàn cầu.
Ngoài Anh, một số nền kinh tế lớn trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan hiện cũng đang xem xét gia nhập CPTPP. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, người từng giữ chức Phó Tổng thống dưới nhiệm kỳ ông Obama cũng bỏ ngỏ khả năng đưa Mỹ trở lại hiệp định này.
Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương trực tuyến hồi tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay Bắc Kinh sẽ “xem xét việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)". Trước đó, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cũng khẳng định Trung Quốc có thái độ “cởi mở và tích cực” với việc xem xét gia nhập Hiệp định CPTPP. Nếu Trung Quốc thực sự tham gia CPTPP, nước này sẽ trở thành thành viên của hai thỏa thuận thương mại lớn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương là CPTPP và RCEP, trong khi Mỹ không có tên trong cả hai.