Chiến tranh giá dầu Nga - Ả Rập Xê Út bùng nổ nhưng Mỹ gánh hậu quả?

11/03/2020 11:42 GMT+7
Thị trường thế giới phản ứng mạnh vào hôm 10/3 khi Ả Rập Xê Út tuyên chiến giá dầu với Nga, khiến giá dầu giảm xuống mức mạnh nhất trong 3 thập kỉ. Theo chuyên gia, ở thời điểm biến động và yếu ớt của nền kinh tế thế giới, chiến tranh giá dầu có thể để lại hậu quả đặc biệt nguy hiểm.

Giá dầu hôm 10/3 tụt xuống 30% khi mở đầu phiên giao dịch Châu Á, khiến S&P 500 và FTSE 100 giảm gần 8%. Cổ phiếu của các công ty dầu thô lớn ở Mỹ như ExxonMobil và Chevron giảm hơn 10%. Cổ phiếu công ty BP của Anh giảm 20% và Premier Oil giảm gần 60%. Thị trường chứng khoán với nỗi lo ngại dịch virus corona cũng đồng thời đánh mạnh vào các tập đoàn khai thác dầu mỏ của Mỹ. “Không ai có thông tin đầy đủ về dịch virus corona, vì thế, các nhà đầu tư không còn cách nào khác ngoài mạo hiểm và đánh giá bất cứ khi nào có thêm thông tin,” theo ông Michael Arone, người đang quan sát cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả Rập.

Động thái tuyên bố giảm giá dầu kể từ tháng 4 của Ả Rập đã khơi mào cuộc chiến giá dầu, khiến giá dầu sụt giảm đến mức thấp nhất kể từ chiến tranh vùng vịnh những năm 1990. Nhưng tại sao những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu trên thế giới đưa ra quyết định này và điều này có ý nghĩa như thế nào với công nghiệp dầu thô thế giới?

Chiến tranh giá dầu Nga - Ả Rập Xê Út bùng nổ nhưng Mỹ gánh hậu quả? - Ảnh 1.

Chiến tranh giá dầu bùng nổ khi Nga quay lưng với khuyến nghị cắt giảm sản lượng dầu từ OPEC

Ả Rập Xê Út vốn đã muốn định hướng OPEC và Nga giảm mạnh sản lượng dầu nhằm hỗ trợ giá dầu thô trước bùng nổ dịch virus corona. Nhưng khi Nga không đồng tình với kế hoạch này, Ả Rập quay lưng lại với đồng minh vốn được coi là sáng giá nhất trong việc đẩy mạnh thị trường dầu mỏ từ năm 2016. Riyadh phản ứng bằng cách tăng cường sản xuất và giảm mạnh giá dầu thô kể từ tháng 4. Chuyên gia nhận định đây là nỗ lực của Ả Rập nhằm trừng phạt Nga vì đã từ bỏ đồng minh OPEC+, đồng thời khẳng định vị thế của mình như nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích đa số tỏ ra quan ngại về động thái này của Ả Rập. Nền kinh tế nước này không được chuẩn bị để thích ứng với mức giá dầu giảm mạnh đến vậy, thậm chí khi Ả Rập giành được thị phần từ cuộc đua giá dầu. 

Nga tuyên bố muốn thấy bức tranh toàn cảnh của tác động của dịch virus corona với nhu cầu về dầu trước khi có bất cứ hành động nào như cắt giảm giá dầu. Nga tin rằng cắt giảm sản lượng sẽ chỉ khiến Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới và giành thị phần từ Nga. Bên cạnh đó, Moscow đã bắt đầu nổi giận trước lệnh trừng phạt của Mỹ với các công ty năng lượng Nga, bao gồm công ty hàng đầu như Rosneft; cũng như nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn ống dẫn khí ga Nord Stream 2 từ Nga đến Đức. 

Trận chiến giá dầu đến vào đúng thời điểm khó khăn với công nghiệp đá phiến Mỹ. Trong khi sản lượng ở nước này tăng nhanh trong 10 năm trở lại đây, động thái của Nga và Ả Rập khiến ngành công nghiệp vốn phụ thuộc vào dòng tiền đi vay trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến động giá. Giá dầu bắt đầu giảm mạnh từ đầu năm, điều này khiến bất cứ kế hoạch mở rộng nào được đưa ra trước đó trở nên bất khả thi. Nhiều nhà sản xuất độc lập cỡ nhỏ chiếm phần lớn thị phần đá phiến sét Mỹ đã tăng giá sản phẩm của mình, trong khi nguồn cung ứng ít có khả năng giảm ngay lập tức. Chiến tranh giá dầu đặt ra bài toán hóc búa cho Tổng thống Trump. Giá dầu giảm chắc chắn sẽ tác động mạnh đến chiến dịch tranh cử của Trump, do mức giá giảm liên tục hiện nay có thể tác động xấu đến nền kinh tế của nhiều bang lớn ở nước Mỹ như Texas và North Dakota, vốn có nền công nghiệp sản xuất năng lượng hàng đầu.

Hi vọng bình ổn giá dầu trong khoảng thời gian ngắn phụ thuộc hoàn toàn vào việc liệu dịch virus corona có được kiểm soát nhanh chóng hay không. Các nhà kinh tế cảnh báo nhu cầu dầu thô toàn cầu vào năm 2020 có thể sụt giảm tới mức thấp nhất kể từ khủng hoảng kinh tế 2008. Tiêu thụ dầu thô có thể giảm ít nhất 1-2% trong năm nay so với mức dự đoán từ đầu năm của các nhà phân tích. Nhưng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, viễn cảnh của công nghiệp dầu thô nói riêng khá tăm tối. Điều này phụ thuộc vào sản lượng dầu Ả Rập sản xuất, vốn được đánh giá có khả năng nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và thậm chí có thể sản xuất 12,5 triệu thùng/ ngày trong các tháng tới đây. Nước này cũng đồng thời có thể tăng cường xuất khẩu dầu dự trữ. Khả năng thúc đẩy sản xuất dầu thô của Nga được đánh giá là hạn chế hơn. Giá dầu thấp hơn có thể đe dọa những hứa hẹn của ông Putin trước đó trong việc đầu tư tập trung vào cơ sở vật chất và xã hội Nga nói chung. Ả Rập có thể đang hi vọng rằng tình trạng giá dầu quá thấp sẽ buộc Nga quay trở lại bàn đàm phán, dù điều này khó có khả năng xảy ra.

Sau khi giá dầu giảm mạnh vào năm 2014, các tập đoàn dầu thô lớn nhất thế giới như Royal Dutch Shell, BP và ExxonMobil đã phải vật lộn trong khoảng thời gian ngắn bằng việc giảm chi phí và tổ chức sản xuất với mức năng suất cao hơn nhằm duy trì lợi nhuận khi giá dầu giảm. Nhưng giờ đây, các công ty này buộc phải đối mặt với những áp lực khác như duy trì cổ tức và mức chi trả với cổ đông, đồng thời giảm nợ và tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo mới. Với mức giá ít hơn 40 USD/ thùng dầu, nhiều nhà đầu tư nghi ngờ khả năng thực hiện điều này, ít nhất trong năm 2020.

Vân Anh
Cùng chuyên mục