Chính quyền Biden liên tục đưa DN Trung Quốc vào danh sách đen, Bắc Kinh dọa trả đũa
Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 11/7 khẳng định các động thái của Mỹ đang cấu thành “một chiến dịch đàn áp vô cớ với các doanh nghiệp Trung Quốc, điều này vi phạm nghiêm trọng các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế”.
Trong một động thái phản ứng, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định “sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty trong nước”.
Trước đó một ngày, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đưa thêm 19 công ty Trung Quốc, trong đó đa số là các công ty trong lĩnh vực điện tử và công nghệ vào danh sách đen do cáo buộc liên quan đến hoạt động vi phạm nhân quyền ở vùng Tân Cương hoặc được hậu thuẫn bởi quân đội. Điều này buộc các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu Mỹ ngừng xuất khẩu công nghệ, dịch vụ và hàng hóa cho các công ty này nếu chưa được sự chấp thuận của Bộ Thương mại Mỹ.
Về phía Trung Quốc, nước này nhiều lần phủ nhận cáo buộc cưỡng bức lao động và vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Tuần trước, hai nguồn tin của Reuters cho hay chính quyền Biden sắp đưa thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế do cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Động thái này đến chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi Mỹ thêm 5 thực thể Trung Quốc khác vào danh sách đen kinh tế hồi tháng 6.
5 thực thể Trung Quốc lọt vào danh sách đen của Mỹ tháng trước bao gồm Hoshine Silicon Industry, Tân Cương Daqo New Energy - một chi nhánh của Daqo New Energy, Tân Cương East Hope Nonferrous Metals - công ty con trực thuộc tập đoàn sản xuất kim loại khổng lồ East Hope có trụ sở tại Thượng Hải; và Tân Cương GCL New Energy Material trực thuộc GCL New Energy Holdings và Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng bán quân sự Tân Cương (XPCC).
Ngay trước đó, vào tháng 4, chính quyền Biden đã đưa 7 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen, viện dẫn quan ngại an ninh quốc gia. 7 doanh nghiệp Trung Quốc bị Mỹ đưa thêm vào danh sách đen bao gồm Công ty CNTT Tianjin Phytium, Công ty Ví điện tử Sunway Microelectronics, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Tế Nam, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Thâm Quyến, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Trịnh Châu và Trung tâm siêu máy tính quốc gia Vô Tích.
Một lệnh hành pháp khác được ban hành vào tháng 5/2021 bởi chính quyền Biden cũng cấm các nhà đầu tư Mỹ đổ tiền vào 59 công ty công nghệ giám sát và quốc phòng Trung Quốc.
Ngoài nỗ lực của Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ cũng tăng cường xem xét các dự luật nhằm tăng khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.
Hôm 8/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên “Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ”, gọi tắt là USICA trị giá 250 tỷ USD với tỷ lệ đồng thuận mạnh mẽ 68-32. Đạo luật này bao gồm khoản tài trợ 190 tỷ USD cho các điều khoản nhằm tăng cường khả năng nghiên cứu và đổi mới công nghệ của Mỹ. 54 tỷ USD khác được dùng để tăng cường nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn cũng như thiết bị viễn thông.
Hạ viện Mỹ cũng xếp lịch họp vào cuối tháng 6 để thảo luận về đạo luật Eagle nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc.
Việc liên tiếp đưa thêm các thực thể Trung Quốc vào danh sách đen của chính quyền Biden được xem là động thái kế thừa lập trường cứng rắn của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Trung Quốc.
Brad Gastwirth, giám đốc chiến lược công nghệ tại Wedbush Securities, trụ sở Los Angeles cho rằng: “Tôi nghĩ chính quyền Biden đã gây sốc cho rất nhiều người, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài, bởi ít người dự báo chính sách cứng rắn của Biden với Trung Quốc như hiện tại”.