Trung Quốc sẽ mất trắng dòng vốn 45 nghìn tỷ USD nếu tiếp tục 'làm khó' các DN niêm yết nước ngoài

11/07/2021 10:56 GMT+7
Các nhà quan sát dự báo sẽ còn nhiều công ty Trung Quốc hủy kế hoạch IPO tại Mỹ tương tự như LinkDoc trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt giám sát doanh nghiệp niêm yết nước ngoài.

Một tính toán sơ bộ của nhóm nghiên cứu kết hợp giữa Rhodium Group và Hội đồng Đại Tây Dương mới đây chỉ ra rằng nếu Trung Quốc siết chặt quản lý các doanh nghiệp niêm yết tại nước ngoài, nước này có thể cản trở tới 45 nghìn tỷ USD dòng vốn chảy vào hoặc ra nền kinh tế từ nay đến năm 2030.

Vụ việc khiến thị trường vốn Trung Quốc xôn xao trong tuần qua là đợt IPO trên sàn chứng khoán New York trị giá 4,4 tỷ USD của Didi Global, dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn lớn nhất thế giới. Nhưng chỉ ít giờ sau thương vụ IPO, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã buộc ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe Didi Global tại các cửa hàng ứng dụng trực tuyến smartphone sau khi phát hiện gã khổng lồ gọi xe thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng. Hành động của CAC lập tức khiến cổ phiếu Didi tụt hơn 20% trong phiên giao dịch sau đó trên sàn chứng khoán Mỹ.

Trung Quốc sẽ mất trắng dòng vốn 45 nghìn tỷ USD nếu tiếp tục 'làm khó' các DN niêm yết nước ngoài - Ảnh 1.

Trung Quốc có thể mất trắng dòng vốn 45 nghìn tỷ USD nếu tiếp tục 'làm khó' các DN niêm yết nước ngoài tương tự như vụ việc Didi Global (Ảnh: Reuters)

Didi không phải công ty duy nhất bị CAC để mắt đến. Cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Full Truck Alliance và Kanzhun cũng giảm trong phiên giao dịch 6/7 đêm qua khi CAC công bố các cuộc điều tra an ninh mạng nhắm vào các công ty này. Tương tự như Didi Global, cả Full Truck Alliance và Kanzhun sẽ không thể cho phép người dùng mới đăng ký chừng nào quá trình đánh giá của các cơ quan quản lý kết thúc.

Hàng loạt động thái liên tiếp của CAC cho thấy một điều: các cơ quan quản lý Bắc Kinh đang hướng tới siết chặt công tác kiểm soát doanh nghiệp niêm yết tại nước ngoài. Xu hướng này có khả năng khiến các công ty Trung Quốc - đặc biệt là công ty công nghệ và dữ liệu - rời xa các thị trường vốn phương Tây; qua đó gây hệ quả trực tiếp cho mối quan hệ sâu sắc lâu nay giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và phố Wall. Một thống kê của Dealogic cho thấy chỉ trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, các công ty Trung Quốc đã huy động được 26 tỷ USD thông qua những thương vụ IPO tại Mỹ.

Nhà kinh tế Trung Quốc Rory Green từ viện nghiên cứu đầu tư TS Lombard nhận định: “Sự kiện Didi Group đã mở ra một mặt trận mới trong vấn đề công nghệ của Trung Quốc: mặt trận chủ quyền dữ liệu… Cuộc chiến tranh giành chủ quyền dữ liệu đang bắt đầu và Trung Quốc cho thấy họ đã sẵn sàng cho điều đó. Có một điều rõ ràng là ngày càng nhiều chính phủ trên thế giới nhận ra tầm quan trọng của dữ liệu và sự cần thiết phải điều chỉnh quy định luật pháp xoay quanh nó”.

Sau vụ việc của Didi, công ty dữ liệu y tế Trung Quốc LinkDoc đã trở thành cái tên đầu tiên từ bỏ kế hoạch IPO tại Mỹ. Các nhà quan sát dự báo sẽ còn nhiều công ty khác hủy kế hoạch IPO tại Mỹ tương tự như LinkDoc trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt giám sát như vậy.

Các nhà kinh tế Rhodium Group và Hội đồng Đại Tây Dương chỉ ra rằng hệ quả từ động thái của Trung Quốc là hàng nghìn tỷ USD vốn đầu tư có thể bị chặn dòng chảy trong dài hạn.

Trong giai đoạn 2000-2018, trước thời điểm thương chiến Mỹ Trung bùng nổ, Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng thần kỳ giúp tăng tỷ trọng nền kinh tế quốc gia trong GDP toàn cầu gấp 4 lần, từ 4% lên 16%. Xuất nhập khẩu hàng hóa cũng tăng nhanh với tốc độ tương tự. Tuy nhiên trong cùng kỳ, tỷ trọng vốn đầu tư hướng nội của Trung Quốc chỉ tăng từ mức tiệm cận 0 lên 2% trong tổng dòng vốn đầu tư toàn cầu. Đầu tư từ trong nước ra nước ngoài tăng từ mức gần 0 lên 1%. Điều này cho thấy tiềm năng đầu tư vô cùng rộng lớn chưa được khai thác trong quá khứ và hiện có nguy cơ bị cản trở do việc siết chặt quy định kiểm soát doanh nghiệp niêm yết nước ngoài của Bắc Kinh.

Các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nợ quốc gia nước này đã tăng từ mức 225% GDP lên ít nhất 276% GDP. Hiệu quả kinh tế cũng giảm khi cần tới 10 Nhân dân tệ tín dụng đầu tư mới tạo ra 1 Nhân dân tệ tín dụng tăng trưởng, tăng mạnh từ mức 6 Nhân dân tệ đầu tư tạo ra 1 Nhân dân tệ tăng trưởng trước đó. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng chậm lại từ mức 9,6%/ năm xuống 6%/ năm ngay cả trước khi đại dịch xảy đến.

Tức là các nhà lãnh đạo Trung Quốc giờ đây phải đối mặt với một sự đánh đổi: chọn hiệu quả kinh tế hay sự kiểm soát toàn diện. Để đạt hiệu quả kinh tế và các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng đã đặt ra, Bắc Kinh có thể không còn con đường nào khác ngoài việc mở cửa và dỡ bỏ bớt những hạn chế thâm nhập thị trường thay vì siết chặt thêm các quy định quản lý như vậy, nhận định của nhóm nghiên cứu Rhodium Group và Hội đồng Đại Tây Dương.


NTTD
Cùng chuyên mục