Vì đâu Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu điện tồi tệ nhất 1 thập kỷ?

11/07/2021 12:36 GMT+7
Trung Quốc đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất 1 thập kỷ do thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu điện tăng cao trong mùa hè và các biện pháp hạn chế sử dụng than đá gây ra tình trạng thiếu hụt cung lưới điện quốc gia.

Trong vài tuần gần đây, một số tỉnh của Trung Quốc đã cảnh báo về tình trạng thiếu điện gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình trạng thiếu điện có nguy cơ kéo dài trong nhiều tháng, gây sức ép lên đà phục hồi kinh tế quốc gia nói riêng và chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu nói chung.

Ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nơi đóng góp 1,7 nghìn tỷ GDP tương đương hơn 10% trong tổng quy mô GDP quốc gia, cuộc khủng hoảng thiếu điện đã kéo dài suốt hơn 1 tháng qua. Việc hạn chế sử dụng điện buộc các doanh nghiệp trong toàn tỉnh ngừng hoạt động vài ngày mỗi tuần. Chính quyền địa phương cho hay tình trạng hạn chế có thể kéo dài đến cuối năm.

Ít nhất 9 tỉnh khác của Trung Quốc cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự, chẳng hạn Vân Nam, Quảng Tây và Chiết Giang. Tính theo diện tích, khu vực bị hạn chế sử dụng điện ở Trung Quốc hiện rộng lớn bằng cả Vương quốc Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản cộng lại.

Hồi tuần trước, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thừa nhận tình trạng thiếu điện đã góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng của hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 6. Đây được cho là cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong suốt 1 thập kỷ qua. 

Vì đâu Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu điện tồi tệ nhất 1 thập kỷ? - Ảnh 1.

Ngay lúc này, Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu điện tồi tệ nhất 1 thập kỷ (Ảnh: CNN)

Một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do những hạn chế nhập khẩu và khai thác than để bắt kịp mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, khiến chi phí sản xuất điện tại nhà máy ngày càng đắt đỏ. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lại kiểm soát giá điện khiến các nhà máy điện không dễ tăng giá điện. Các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện cũng bị hạn chế do tình trạng hạn hán. Chính điều này đã ảnh hưởng đến nguồn cung điện.

Thêm vào đó, sự bùng nổ sản xuất hàng hóa sau đại dịch và thời tiết nóng lên toàn cầu khiến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt. Trong 5 tháng đầu năm, tiêu thụ điện ở Nam Trung Quốc đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch, theo China Southern Power Grid, một công ty vận hành lưới điện quốc doanh.

Thách thức lớn với nền kinh tế

Yan Qin, nhà phân tích năng lượng hàng đầu của Refinitiv nhận định việc hạn chế sử dụng điện bằng cách cắt điện luân phiên chắc chắn sẽ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, đe dọa đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Tình trạng thiếu điện có thể làm giảm sản lượng trên hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả các ngành xây dựng và sản xuất then chốt. Theo Cục Thống kê Quốc gia NBS, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng và sản xuất - động lực chính thúc đầy đà phục hồi kinh tế trong năm 2021 - đang chiếm khoảng gần 70% lượng điện sử dụng trên toàn quốc. 

Một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc - Chengde New Material có trụ sở tại tình Quảng Đông hồi tháng 6 cho hay họ buộc phải đóng cửa sản xuất 2 ngày/ tuần cho đến khi chính quyền địa phương ngừng hạn chế sử dụng điện. Điều này dự kiến sẽ làm giảm sản lượng sản xuất khoảng 20%, tương đương 10.000 tấn thép/ tháng.

Klaus Zenkel, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc cho biết có tới 80 công ty thành viên của nhóm này đã bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi tình trạng thiếu điện. Một số công ty thậm chí đã bắt đầu thuê máy phát điện chạy dầu diesel đắt tiền để duy trì hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như duy trì sự liền mạch của chuỗi cung ứng.

Theo dữ liệu của chính phủ và một số nghiên cứu độc lập khác, việc cắt điện luân phiên ở tình sản xuất kim loại chủ chốt Vân Nam cũng khiến nguồn cung một số kim loại quan trọng như nhôm và thiếc giảm. 

Đáng lo ngại hơn, ông Henning Gloystein, giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Eurasia Group cho biết: “Tình trạng thiếu điện có thể làm tăng thêm nguy cơ đình trệ chuỗi cung ứng, vận tải trên toàn cầu”. Trước đó, các cảng biển lớn ở Quảng Đông đã bị tắc nghẽn nhiều ngày khi một ổ dịch Covid-19 bùng phát buộc chính quyền địa phương tạm đóng cửa một cảng, gây áp lực cho hàng loạt cảng lân cận. Cuộc khủng hoảng thiếu điện lúc này chắc chắn sẽ làm tăng sức ép lên hoạt động của cảng, nguy cơ khiến hàng hóa tồn đọng trong nhiều tháng, kéo dài đến mùa mua sắm cuối năm.


NTTD
Cùng chuyên mục