Làn sóng vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc lên mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2021

09/07/2021 16:00 GMT+7
Số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc tiếp tục tăng lên mức kỷ lục khi các công ty phải đối mặt với tình trạng tài chính khó khăn do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đã lên tới 116 tỷ Nhân dân tệ (18 tỷ USD), một con số kỷ lục cao chưa từng có. Rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc đang gây ra tình trạng báo động với các nhà đầu tư nước ngoài.

Khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang đặt mục tiêu giảm nợ trong khu vực doanh nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ đẩy một nhóm công ty vào tình thế khó khăn trong việc lưu chuyển dòng vốn, qua đó dẫn đến tình trạng mất khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính. Làn sóng vỡ nợ tăng cao cũng có nguy cơ đe dọa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những năm tiếp theo.

Làn sóng vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc lên mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 1.

Làn sóng vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc lên mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2021 (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Theo nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính internet Shanghai DZH, dự báo tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc năm 2021 có thể vượt qua mức kỷ lục hơn 187 tỷ Nhân dân tệ được ghi nhận vào năm ngoái.

Đáng chú ý hơn, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vỡ nợ trái phiếu, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đi ngược lại niềm tin được thị trường mặc định lâu nay rằng chính phủ sẽ cứu các DNNN khi chúng xuất hiện các vấn đề rắc rối tài chính. Trong lịch sử nhiều thập kỷ qua, Bắc Kinh ít khi để các DNNN vỡ nợ. Giới chức nước này tin rằng mối liên hệ giữa các doanh nghiệp quốc doanh và chính phủ là vô cùng quan trọng để duy trì sự ổn định của hoạt động kinh tế. 

Vào tháng 2/2021, một tòa án Trung Quốc đã chấp thuận đơn xin phá sản của tập đoàn du lịch HNA Group theo quy trình tái cơ cấu. Đến tháng 3/2021, Hãng hàng không Thiên Tân, được hậu thuẫn bởi HNA Group và chính quyền thành phố Thiên Tân cũng nộp đơn xin phá sản tương tự. Nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup do nhà nước hậu thuẫn cũng nhiều lần bỏ lỡ đợt thanh toán lợi suất trái phiếu bằng đồng USD.

Làn sóng vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc lên mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2021 - Ảnh 2.

Tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc (tính theo đồng Nhân dân tệ) giai đoạn 2014-2020 và nửa đầu năm 2021 (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Năm 2019, tỷ lệ DNNN vỡ nợ trái phiếu chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc. Đến năm 2020, con số này tăng lên gần 50%, một mức cao kỷ lục. Trong 6 tháng đầu năm nay, DNNN chiếm khoảng 40% trong các vụ vỡ nợ tương tự.

Doanh nghiệp Trung Quốc vỡ nợ, NĐT toàn cầu quan ngại

Ông Naoto Saito, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Daiwa nhận định các DNNN Trung Quốc đang nợ nần chồng chất do bấy lâu nay họ giữ niềm tin rằng chính phủ sẽ không bao giờ cho phép họ vỡ nợ. Nhưng những rủi ro tài chính tăng lên đã buộc Bắc Kinh tiến hành cải cách và thay đổi lập trường lâu nay.

“Vụ vỡ nợ trái phiếu của Yongcheng khiến nhà đầu tư ngày càng lo ngại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung. Nó phá vỡ sự an tâm của thị trường lâu nay rằng chính phủ có sự “bảo lãnh ngầm” với trái phiếu doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước” - nhận định của nhà kinh tế học Zhaopeng Xing từ ANZ Research.

Logan Wright, giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group từng cho hay: “Niềm tin vào sự hậu thuẫn của chính phủ là bức tường quan trọng nhất chống lại khủng hoảng tài chính. Giờ đây, chúng ta đang thấy sự tín nhiệm này bị xói mòn”.

Với thực trạng các vụ vỡ nợ tăng lên, các nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu giảm danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc. Chẳng hạn, tờ Nikkei cho hay một nhà quản lý quỹ đầu tư nước ngoài đã cho biết sẽ cắt giảm khoản đầu tư vào những trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc có xếp hạng tín nhiệm thấp bất chấp lợi suất cao.

Theo Intercontinental Exchange, trái phiếu đồng USD của Trung Quốc có lợi suất trung bình lên tới 10,1%/ năm vào ngày 15/6, trái ngược hoàn toàn với lợi suất trung bình toàn cầu dưới 5% cho các loại trái phiếu đầu cơ như vậy.

Một số DNNN Trung Quốc cũng bị các công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu hạ bậc tín nhiệm. Chẳng hạn, Tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande Group đã bị cả Fitch Ratings và Moody's Investor Service hạ xếp hạng tín nhiệm vào tháng 6, khiến lợi suất trái phiếu công ty tăng vọt lên mức hơn 20%.

Không chỉ DNNN, các doanh nghiệp tư nhân cũng bị ảnh hưởng mức độ tín nhiệm do tình trạng vỡ nợ trái phiếu. Chẳng hạn, nhà bán lẻ Trung Quốc Suning.com gần đây đã bị các nhà đầu tư ngờ vực về khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính sau vụ việc mua lại đội bóng Inter Milan của Ý.


NTTD
Cùng chuyên mục