Chống bán phá giá Mỹ áp cho lốp xe tải nhập khẩu: Cao su Đà Nẵng (DRC) vẫn chịu sức ép từ Thái Lan

22/05/2024 15:34 GMT+7
Bộ Thương mại Mỹ (DoC) mới đây đã ban hành quyết định sơ bộ về hành vi chống bán phá giá lốp xe tải từ Thái Lan. Theo đánh giá của các chuyên gia SSI, đây được coi là thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của CTCP Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC).

Theo thống kê, Thái Lan được coi là quốc gia xuất khẩu lốp xe tải lớn nhất vào thị trường Mỹ khi chiếm 37% tổng lượng nhập khẩu năm 2022. Giữ vị trí thứ 2 là Việt Nam với mức đóng góp 10%. Và Mỹ cũng là thị trường chính của DRC.

Tại báo cáo Cập nhật về thuế chống bán phá giá Mỹ áp cho lốp xe tải nhập khẩu từ Thái Lan và DRC, chuyên gia phân tích SSI nêu rõ, Bộ Thương mại Mỹ xác định mức thuế chống bán phá giá 2,35% đối với lốp xe tải từ Thái Lan. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 47,81% được đề xuất trước đó nên khó có thể ngăn chặn lốp xe tải Thái Lan thâm nhập thị trường Mỹ. 

"Như vậy, tác động tích cực đến DRC có thể không nhiều như dự báo trước đây", chuyên gia SSI đánh giá.

Nhóm phân tích dự kiến, sau khi ban hành quyết định sơ bộ, Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 29/7/2024. Sau đó, Ủy ban Thương mại Quốc Tế (ITC) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào 12/9/2024 và phán quyết cuối cùng sẽ được ban hành vào ngày 19/9/2024.

Thị trường Mỹ hiện chiếm 14% tổng doanh thu của DRC. Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, điều này có thể không ảnh hưởng nhiều đến DRC, do lốp xe tải của DRC hiện không chịu bất kỳ thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nào (AD/CVD).

Trong trường hợp có bất kỳ kiến nghị nào về hành vi chống bán phá giá trong tương lai, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể giúp DRC giảm bớt khả năng bị áp dụng AD/CVD. 

Vì SSI cho rằng, DRC được phép sử dụng dữ liệu chi phí sản xuất của công ty thay vì sử dụng dữ liệu từ nước thứ ba làm cơ sở đánh giá. Trong khi đó, lốp PCR có xuất xứ Việt Nam chịu thuế AD ở mức 22,27% và thuế CVD ở mức 6,46%.

Trong quý II/2023, DRC đã tung ra thị trường lốp PCR, nhưng thị trường xuất khẩu chính là Brazil chứ không phải Mỹ. Nếu DRC giới thiệu lốp loại PCR vào thị trường Mỹ trong tương lai và nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường thì có thể giúp DRC "né" được thuế AD/CVD.

Chống bán phá giá Mỹ áp cho lốp xe tải nhập khẩu: Cao su Đà Nẵng (DRC) vẫn chịu sức ép từ Thái Lan- Ảnh 1.

Cơ cấu doanh thu của DRC. Nguồn: Số liệu SSI Research.

Hiện tại, SSI Research dự báo, năm 2024 DRC sẽ đạt lợi nhuận sau thuế là 286 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và đạt 344 tỷ đồng trong năm 2024-2025. Với mức lãi sau thuế dự kiến như vậy, nhóm chuyên gia đưa ra khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu DRC, với giá mục tiêu 1 năm là 34.100 đồng/cp.

CTCP Cao su Đà Nẵng tiền thân là nhà máy của quân đội Mỹ, được cổ phần hóa vào 2016 trong đó Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vichem) sở hữu 51%. DRC sản xuất lốp và săm xe đạp, xe máy, ô tô và xe tải, trong đó, DRC là công ty trong nước dẫn đầu ngành. Với vốn điều lệ 92,5 tỷ đồng khi niêm yết vào năm 2006, sau nhiều lần nâng vốn, DRC ghi nhận vốn điều lệ hơn 830 tỷ đồng.

Cao su Đà Nẵng báo lãi tăng 93% trong quý I/2024

Chống bán phá giá Mỹ áp cho lốp xe tải nhập khẩu: Cao su Đà Nẵng (DRC) vẫn chịu sức ép từ Thái Lan- Ảnh 2.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1

Nhìn lại kết quả kinh doanh quý I/2024, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt hơn 1.003 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng từ 115 tỷ lên hơn 161 tỷ đồng kéo theo biên lợi nhuận gộp trong quý cải thiện từ 10,3% lên 16,3%.

Trong kỳ, chi phí bán hàng tăng 30% lên hơn 87 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng 24% lên hơn 18 tỷ đồng. Kêt quả, Cao su Đà Nẵng báo lãi trước và sau thuế lần lượt hơn 58 và 49 tỷ đồng, tương ứng tăng 100% và 93% so với cùng kỳ.

Theo giải trình, ban lãnh đạo Công ty cho biết: lợi nhuận trong kỳ tăng mạnh chủ yếu là do giá nguyên vật liệu đầu vào đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời tỷ giá ngoại tệ tăng cũng có lợi cho hiệu quả của hoạt động xuất khẩu.

Trong năm 2024, Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.151 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 7%, còn 228 tỷ đồng. Như vậy, sau quý I/2024, công ty hoàn thành được 19,4% mục tiêu doanh thu và 21,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Bước sang quý II, Công ty lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần đạt 1.347 tỷ đồng và lãi trước thuế 79 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Cao su Đà Nẵng đạt 3.395 tỷ đồng, tương đương với thời điểm đầu năm. Trong đó, chỉ tiêu có biến động mạnh nhất là tiền và tương đương tương tiền với mức giảm 35,4%, còn 236,8 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 17%, lên mức 534,5 tỷ đồng.

Tổng nợ vay của Cao su Đà Nẵng tăng 12%, lên gần 663 tỷ đồng, tương ứng 20% tổng nguồn vốn. Gần như toàn bộ nợ vay của DRC là ngắn hạn.

Linh Anh
Cùng chuyên mục