Chủ tịch VPBank tiết lộ mục đích sử dụng tiền thu về từ bán vốn FE Credit

31/05/2020 06:37 GMT+7
Chủ tịch VPBank ông Ngô Chí Dũng cho biết, trong trường hợp bán đến 49% vốn tại FE Credit, quyền lợi của ngân hàng mẹ là VPBank sẽ giảm đi đáng kể. Với lượng tiền mà ngân hàng mẹ thu được, chúng tôi sẽ có phương án sử dụng nguồn tiền đó hiệu quả nhất.

Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank chia sẻ với cổ đông về kế hoạch IPO của FE Credit.

Cụ thể, trong những năm qua HĐQT cũng đã đàm phán với các nhà đầu tư để bán một phần vốn của FE Credit. Tuy nhiên quá trình đàm phán hiện đang tạm dừng do dịch Covid-19.

Theo ông Dũng, quá trình đàm phán này sẽ được nối lại, và trong thời gian gần VPBank sẽ đạt được mục tiêu IPO đề ra cho FE Credit. Hiện nay công việc đàm phán vẫn đang triển khai, bước đầu đã có kết quả tích cực.

"Chúng tôi tin rằng sẽ đạt được mục tiêu đề ra vì FE Credit là ứng cử viên hấp dẫn trong ngành tài chính tiêu dùng", ông Dũng cho hay.

Chủ tịch VPBank tiết lộ mục đích sử dụng tiền thu về từ bán vốn FE Credit - Ảnh 1.

Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch VPBank

Chia sẻ thêm, lãnh đạo VPBank cho biết do FE Credit là công ty tài chính nên có thể bán tối đa 49% vốn. Trong trường hợp bán đến 49% vốn thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, việc đối tác tham gia đến 49% cổ phần thì ngân hàng sẽ lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thế mạnh. "Họ cũng sẽ mang tới tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị điều hành tới. Đó là điều rất tốt", ông Dũng nói.

Về mục đích sử dụng dòng vốn thu về từ bán thương vụ này (nếu có), ông Dũng tiết lộ, "Với lượng tiền ngân hàng mẹ thu được, chúng tôi sẽ có phương án sử dụng nguồn tiền đó hiệu quả nhất. Chẳng hạn tập trung vào các mảng bán lẻ và SME".

Chủ tịch VPBank tiết lộ mục đích sử dụng tiền thu về từ bán vốn FE Credit - Ảnh 2.

Đại hội đồng cổ đông VPBank tính đến việc bán 49% vốn tại FE Credit

Trước đó, vào hồi tháng 2/2020, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của FE Credit từ công ty TNHH MTV thành công ty cổ phần. Đây được xem là bước đi cần thiết để VPBank thực hiện IPO FE Credit để thu hút thêm vốn.

Bên cạnh đó, NHNN cũng có văn bản chấp thuận FE Credit từ 7.328 tỷ đồng lên 7.333 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ ngày 17/11/2019 đã được cấp có thẩm quyền thông qua theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chưa rõ phương án cụ thể tăng vốn điều lệ của FE Credit.

FE Credit là công ty con của ngân hàng VPBank, chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Dư nợ cho vay năm 2019 của công ty này ước đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng, tăng 13,75%.

FE Credit được biết tới là mô hình chấp nhận rủi ro cao để tăng trưởng lợi nhuận khi tỷ lệ nợ xấu của FE Credit luôn ở mức cao, năm vừa qua vẫn gần 6%. Đây cũng là nguyên nhân đẩy tỷ lệ nợ xấu của VPBank khi hợp nhất lên con số cao so với mặt bằng toàn hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, với lợi nhuận khổng lồ, FE Credit được coi là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank khi đóng góp phân nửa lợi nhuận cho VPBank. Đơn cử như năm 2019 vừa qua, lợi nhuận trước thuế của FE Credit đạt 4.488 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận năm 2019 của VPBank hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Hồi tháng 8/2017, khi niêm yết cổ phiếu VPBank lên sàn chứng khoán, lãnh đạo VPBank cho biết sẽ không bán bớt cổ phần đang nắm giữ tại FE Credit do đây một trong bốn trụ cột phát triển chính của ngân hàng này.

Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2020, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019. Trong đó, lợi nhuận ngân hàng mẹ vẫn kỳ vọng tăng trưởng 15%, còn với FE Credit điều chỉnh giảm nhẹ.

"FE Credit áp dụng biện pháp quản lý thận trọng hơn, trong quý I và II sẽ tập trung cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng gặp phải khó khăn. Quan điểm phát triển thận trọng, có thể phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro", lãnh đạo VPBank nhấn mạnh.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục