Chứng khoán mất hơn 26 tỷ USD, không phải đại gia hàng không thiệt hại nhất

14/03/2020 16:14 GMT+7
Hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19 nhưng tuần này, đại gia hàng không không phải những người gánh chịu thiệt hại lớn nhất.

Tuần này, diễn biến dịch Covid-19 ngày càng căng thẳng hơn tới mức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải công bố đại dịch Covid-19. Điều đó khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chìm sâu trong bán tháo. Thị trường Mỹ thậm chí không dưới 1 phiên buộc phải dùng biện pháp tạm dừng giao dịch giúp nhà đầu tư ổn định tâm lý hơn.

Thị trường Việt Nam không nằm ngoái xu hướng "rơi tự do" đó. VN-Index liên tiếp có đà giảm hơn 40 điểm mỗi phiên. Đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu ngày 13, VN-Index dừng ở mức 761,78 điểm sau khi giảm 129,66 điểm, tương đương 14,5% so với ngày 6/3, phiên cuối cùng của tuần trước.

Chứng khoán mất hơn 26 tỷ USD, không phải đại gia hàng không thiệt hại nhất - Ảnh 1.

Chứng khoán mất hơn 26 tỷ USD, không phải đại gia hàng không thiệt hại nhất. (Ảnh minh họa)

VN-Index giảm quá mạnh khiến vốn hóa thị trường sàn TP.HCM giảm 443.017 tỷ đồng (tương đương 19 tỷ USD). Đây là đà giảm theo tuần mạnh nhất của chỉ số này trong vài năm gần đây. Cộng với đà mất mát trên sàn Hà Nội, tuần này, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam hao hụt hơn 26 tỷ USD.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến phần lớn ngành nghề trên toàn thế giới, trong đó, du lịch và hàng không chịu tác động nặng nề nhất. Tuy nhiên, tuần này, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu hàng không dù giảm rất sâu nhưng không phải "ông lớn" mất mát nhiều nhất.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VJC của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet dừng ở mức 101.000 đồng/CP sau khi giảm 19.500 đồng/CP, tương đương 16,2% so với cuối tuần trước. Vì vậy, vốn hóa thị trường Vietjet hao hụt 10.561 tỷ đồng.

Cổ phiếu HVN của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) giảm 4.150 đồng/CP, tương đương 16,6% xuống 20.800 đồng/CP. HVN khiến vốn hóa thị trường Vietnam Airlines mất 5.886 tỷ đồng.

Mất mát của hai ông lớn hàng không là rất lớn nhưng vẫn khiêm tốn hơn so với một vài đại gia Việt khác.

Dù được hưởng lợi khi giá dầu thế giới không ngừng lao dốc nhưng cổ phiếu PLC của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng không thể đi ngược lại được xu hướng thị trường. Sau 1 tuần, PLX giảm 13.550 đồng/CP, tương đương 27,3% xuống 36.150 đồng/CP. Vì vậy, vốn hóa thị trường Petrolimex giảm 17.532 tỷ đồng.

Trong 1 tuần, cổ phiếu GAS của Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) đã trải qua 3 phiên giảm sàn và 2 phiên giảm sâu. Tính chung cả tuần, GAS giảm 20.500 đồng/CP, tương đương 26,5% so với cuối tuần trước. Vốn hóa thị trường GAS "bốc hơi" tới 39.236 tỷ đồng (khoảng 1,67 tỷ USD).

Cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có 3 phiên giảm sàn và 2 phiên giảm sâu. Kết quả là BID giảm 11.850 đồng/CP, tương đương 25,3% xuống 35.000 đồng/CP. Vốn hóa thị trường BIDV "đánh rơi" 47.661 tỷ đồng (khoảng 2,05 tỷ USD).

Có tốc độ "rơi" không quá mạnh như BID nhưng cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lại chịu tổn thất nặng nề hơn. VCB giảm 13.500 đồng/CP, tương đương 16% xuống 71.000 đồng/CP khiến vốn hóa thị trường Vietcombank giảm 50.070 tỷ đồng (khoảng 2,15 tỷ USD).

Có thể thấy, trên thị trường chứng khoán, trong tuần này, ngân hàng mới là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục