Chứng khoán tuần tới (14 - 18/11): Tâm lý thị trường bi quan quá mức, xác suất hướng về vùng điểm 900

13/11/2022 07:37 GMT+7
Hiện P/E của VN-Index đã về dưới 10 lần, thấp nhất kể từ năm 2012, phản ánh tâm lý thị trường đang bi quan quá mức. Có ý kiến cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ thử thách lại vùng hỗ trợ gần nhất là 940-950 điểm, thậm chí hướng về vùng điểm 900 trong tuần tới (14-18/11).

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần giao dịch kém tích cực do nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị bán giải chấp với khối lượng lớn.

Chứng khoán Việt Nam có mức giảm mạnh nhất thế giới

Chỉ số VN-Index xuyên thủng mức đáy 958 điểm và lùi về mức sâu nhất là 947,2 điểm (mức thấp nhất kể từ đầu năm) và trở thành thị trường chứng khoán có mức giảm mạnh nhất thế giới.

Thị trường chỉ phục hồi nhẹ trong phiên cuối tuần nhờ lực mua vào mạnh của khối ngoại sau thông tin lạm phát của Mỹ tích cực hơn kì vọng.

Chỉ số VN-Index phục hồi nhẹ và chốt tuần tại mức 954.5 điểm (giảm 4,3% so với cuối tuần trước).

Trong khi đó, cả hai chỉ số HNX-Index và UPCOM-Index cũng lần lượt lùi về mức 189,8 điểm (giảm 7,2%) và 68,6 điểm (giảm 7,6%).

Chứng khoán tuần tới (14 - 18/11): Tâm lý thị trường bi quan quá mức, xác suất hướng về vùng điểm 900 - Ảnh 1.

Diễn biến VN-Index tuần từ 07 -11/11.

Thanh khoản thị trường tăng nhẹ với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 11.905 tỷ đồng/phiên (tăng 1,5% so với tuần trước).

Điểm tích cực là trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân trong nước bán mạnh, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng mạnh trên sàn HoSE với giá trị đạt 4.123 tỷ đồng.

Điều tương tự diễn ra khi khối ngoại mua ròng 352 tỷ đồng (tăng hơn 16 lần so với tuần liền trước) trên sàn HNX và tăng 311% giá trị mua ròng trên sàn UPCOM, đạt 78 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhóm bất động sản chịu áp lực bán giải chấp lớn trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đã mất giá trên 50%, thậm chí là 70-80% từ đỉnh.

Điều này là do các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn qua kênh tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.

Nhiều cổ phiếu bất động sản sụt giảm giá trên 20% trong tuần qua như NVL, DIG, DXG, PDR.

Trong khi đó, ngành ngân hàng chứng kiến sự phân hóa mạnh khi VCB, BID, ACB tăng lần lượt 5,2%/8,1%/8,2% trong tuần.

Ngược lại, TCB giảm tới 10,6%, MBB (giảm 10,6%), VIB (giảm 11,4%).

Trong bối cảnh thị trường diễn biến tiêu cực, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu phòng thủ như năng lượng, điện, hàng tiêu dùng, để tìm kiếm nơi trú ẩn, bao gồm GAS, MSN và POW, với mức tăng từ 2,6% - 8,2% về giá cổ phiếu tuần qua.

Chỉ số VN-Index sẽ thử thách lại vùng hỗ trợ gần nhất 940-950 điểm, hướng về vùng điểm 900

Bước sang tuần giao dịch từ tuần từ 14/11-18/11, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VnDirect cho hay, tâm lý khối nội vẫn tương đối yếu trong bối cảnh một số doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn thanh khoản ngắn hạn.

Do đó, sức ép bán ra từ khối nội vẫn tương đối lớn trong tuần tới, đặc biệt là trước và sau phiên đáo hạn phái sinh ngày thứ 5 (17/11).

Chỉ số VN-Index sẽ thử thách lại vùng hỗ trợ gần nhất là 940-950 điểm và dòng vốn ngoại sẽ là lực đỡ quan trọng cho thị trường trong tuần tới.

Chứng khoán tuần tới (14 - 18/11): Tâm lý thị trường bi quan quá mức, xác suất hướng về vùng điểm 900 - Ảnh 3.

Chứng khoán tuần tới (14 - 18/11), chỉ số VN-Index sẽ thử thách lại vùng hỗ trợ gần nhất là 940-950 điểm.

Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VnDirect khuyến nghị, nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh, tránh hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá ở thời điểm hiện tại.

Hiện P/E của VN-Index đã về dưới 10 lần, thấp nhất kể từ năm 2012, phản ánh tâm lý thị trường đang bi quan quá mức. Định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn đã rơi xuống mức 0,7-0,8 lần P/B.

Trong khi đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2022 và dự báo quý IV/2022 của các doanh nghiệp niêm yết lại không quá tệ như những diễn biến trên thị trường chứng khoán gần đây.

"Có thể thấy, nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối ổn định trong khi đa phần doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tích cực (trừ một số nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng).

Do vậy, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ phân hóa lớn và có những dòng cổ phiếu tạo đáy trước.

Do đó, nhà đầu tư cần thật sự bình tĩnh để soi xét và đánh giá khách quan về danh mục đầu tư của mình", ông Hinh nhấn mạnh.

Theo vị này, cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, dòng tiền kinh doanh ổn định và triển vọng kinh doanh tích cực trong những quý tới thì hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ chờ thị trường phục hồi.

Ông cũng cho rằng, thời điểm này rất phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn. Với tầm nhìn dài hạn, những nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu cơ bản tốt có thể mang về mức lợi nhuận rất hấp dẫn trong vòng 1-2 năm tới.

Tất nhiên, để đạt được mục tiêu đó thì nhà đầu tư cần chuẩn bị nguồn tiền đầu tư ổn định, không bị rút ra trước hạn cũng như hạn chế tối đa sử dụng tiền vay (đòn bẩy) để có thể chủ động trước mọi tình huống khó lường và giảm thiểu rủi ro.

Thậm chí có góc nhìn bi quan hơn, các chuyên gia tại Chứng khoán Vietcombank còn cho rằng, nếu VN-Index xuyên thủng vùng đáy được tạo tuần trước thì sẽ có xác suất hướng về vùng điểm 900 trong tuần giao dịch tới (14-18/11).

"Sự phục hồi kỹ thuật tại phiên giao dịch cuối tuần đã phần nào xoa dịu nỗi âu lo trong lòng nhà đâu tư nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp. Ở góc nhìn kỹ thuật, tại đồ thị tuần, chỉ báo MACD vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy trung hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI tiếp tục ở ngưỡng quá bán, chưa có tín hiệu phục hồi và hoàn toàn có khả năng thủng ngưỡng 22", theo Chứng khoán Vietcombank.


Nhật Minh
Cùng chuyên mục