Chứng khoán tuần tới (7-11/11): VN-Index phục hồi về trên ngưỡng 1.000 điểm hay "lao" về vùng 900?
Nhóm ngành bất động sản chịu áp lực bán mạnh, nhân tố chính khiến thị trường lao dốc
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch kém tích cực do nhóm cổ phiếu bất động sản chịu áp lực bán mạnh. Diễn biến này diễn ra sau khi cơ quan chức năng cảnh báo thị trường bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn tới, trong bối cảnh ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng cho bất động sản và lãi suất tăng.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực bán mạnh tuần qua do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF đã đè nặng lên diễn biến của các chỉ số chứng khoán.
Thông tin về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng 75 điểm lãi suất cơ bản lần thứ 4 liên tiếp cũng khiến tâm lý nhà đầu tư càng trở nên thận trọng.
Các yếu tố đó cộng hưởng lại khiến các chỉ số chứng khoán trong nước lùi sâu. Theo đó, chỉ số VN- Index giảm điểm 4/5 phiên trong tuần qua và có lúc xuống mức thấp nhất tuần là 974,6 điểm.
Mặc dù lực cầu bắt đáy có gia tăng trong phiên cuối tuần, tuy vậy cũng không đủ để giúp chỉ số VN- Index giữ được mốc tâm lý 1.000 điểm.
Chốt tuần, chỉ số VN- Index đóng cửa ở mức 997,2 điểm (giảm 3% sau 1 tuần giao dịch).
Bên cạnh đó, cả hai chỉ số HNX-Index và UPCOM-Index cũng lần lượt lùi về mức 204,6 điểm (-4,3% so với cuối tuần trước) và 74,3 điểm (-2,4% so với cuối tuần trước).
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 11.731 tỷ đồng/phiên (giảm 7,3% so với tuần liền trước).
Tuần qua, khối ngoại đã giảm bán ròng trên HOSE xuống còn còn 539 tỷ đồng (giảm 85,2%). Trong khi đó, khối ngoại mua ròng nhẹ 2 tỷ đồng trên sàn HNX-INDEX ( giảm 97,4%).
Nhóm ngành bất động sản chịu áp lực bán mạnh tuần qua và là nhân tố chính khiến thị trường lao dốc. Nhiều cổ phiếu bất động sản giảm trên 10% trong tuần qua, bao gồm NVL (-17,4%), PDR (-15,9%), DIG (-12,6%).
Trong khi đó, nhóm ngành ngân hàng có sự phân hóa lớn khi ACB (-9,6%) và HDB (-6,7) giảm điểm mạnh. Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng phục hồi nhẹ, bao gồm VPB (+3,7%), TCB (+4,5%), CTG (+1,9%), MBB (+1,4%).
Chứng khoán tuần tới: VN-Index phục hồi trên ngưỡng 1.000 điểm hay "lao" về vùng điểm 900?
Nhận định về thị trường, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VnDirect cho hay, mặc dù trải qua một tuần giao dịch kém tích cực, thị trường cũng xuất hiện một số tín hiệu tích cực.
Thứ nhất, lực cầu bắt đáy giá thấp luôn thường trực, thể hiện khá rõ nét khi chỉ số VN-Index xuống dưới ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Điều này thể hiện khá rõ nét trong phiên chiều ngày thứ 6 khi lực cầu bắt đáy xuất hiện và giúp chỉ số VN-Index phục hồi về sát ngưỡng 1.000 điểm (tăng trên 20 điểm từ đáy)
Hai là, thị trường đã có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu chứ không còn tình trạng tất cả các ngành đều đồng loạt giảm mạnh như giai đoạn trước.
Cụ thể, cổ phiếu ngành thực phẩm-đồ uống và ngân hàng chứng kiến lực cầu tương đối tốt đã có dấu hiệu tạo đáy trong những tuần qua.
Do đó, ông Hinh kỳ vọng đà giảm của thị trường có thể chững lại trong tuần giao dịch tới (tuần từ ngày 7 – 11/11) nhờ diễn biến tích cực của một số nhóm ngành như thực phẩm, đồ uống, ngân hàng.
Chỉ số VN-Index có thể phục hồi dần lên trên ngưỡng 1.000 điểm khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs qua đi và tâm lý của nhà đầu tư bình ổn trở lại.
Về khuyến nghị cho nhà đầu tư, chuyên gia bảo lưu quan điểm nhà đầu tư không nên bán tháo bằng mọi giá ở thời điểm hiện tại. Thị trường đã duy trì trạng thái quá bán trong một khoảng thời gian tương đối dài và có thể sớm chứng kiến xu thế vận động theo chiều hướng tích cực hơn.
"Chúng tôi cho rằng việc chỉ số VN-Index lại một lần nữa tụt xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn lựa chọn những doanh nghiệp tốt với mức giá rất hấp dẫn. Định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn đã về mức xấp xỉ 1 lần, thậm chí có nhiều cổ phiếu còn rơi xuống mức 0,7-0,8 lần P/B", Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VnDirect nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hinh, một khi những rủi ro hiện tại lắng dịu (tỷ giá, lãi suất, thanh khoản hệ thống) và tâm lý nhà đầu tư bình ổn trở lại, lực cầu gom cổ phiếu giá rẻ sẽ xuất hiện.
Do đó, việc bán tháo cổ phiếu ở vùng giá này không được khuyến khích, trừ trường hợp nhà đầu tư bán ra để hạ thấp tỷ trọng đòn bẩy nhằm tránh bị margin call.
Ngược lại, đối với những nhà đầu tư đang duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp và nắm giữ nhiều tiền mặt, thời điểm hiện tại mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư lựa chọn được những doanh nghiệp tốt với mức giá hấp dẫn hơn rất nhiều với thời điểm đầu năm.
Với tầm nhìn dài hạn, những nhà đầu tư giải ngân ở vùng này có thể thu được mức lợi nhuận rất hấp dẫn trong vòng 1-2 năm tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức vừa phải (70 cổ/30 tiền mặt) và hạn chế mua bằng margin ở thời điểm hiện tại để có thể chủ động trước mọi tình huống khó lường và giảm thiểu rủi ro.
Cũng có cái nhìn khá lạc quan, các chuyên gia tại Chứng khoán Tân Việt (TVSI), mức độ tiêu cực của thị trường có thể sẽ giảm bớt trong phiên giao dịch đầu tuần tới. Tín hiệu tích cực sẽ đến từ sự khởi sắc của các cổ phiến ngành ngân hàng dù số lượng cổ phiếu giảm trong nội tại thị trường vẫn sẽ chiếm ưu thế.
Các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lại cho rằng, về góc nhìn kỹ thuật, tại khung đồ thị tuần, chỉ báo vẫn hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy trung hạn.
Bên cạnh đó, chỉ báo kỹ thuật đang ở mức cao, cho thấy nhịp điều chỉnh đang diễn ra nhiều khả năng sẽ chưa thể nhanh chóng kết thúc. Nếu VN-Index xuyên thủng vùng đáy được tạo tuần trước thì sẽ có xác suất hướng về vùng điểm 900.
"Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục chủ động chốt lời ngắn hạn nhiều hơn và nâng cao tỷ trọng tiền mặt để bảo toàn vốn, kiên nhẫn quan sát chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường và hạn chế việc bắt đáy sớm", báo cáo của VCBS nêu.
Chứng khoán KBSV cho rằng, rủi ro phá đáy ngắn hạn cần được tính đến nếu VN-Index đánh mất hoàn toàn ngưỡng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 980 điểm.