Chuyên gia bóng đá châu Á của ESPN: "Cầu thủ Thái Lan không muốn sang V.League là điều dễ hiểu"

Nguyễn Anh - Yên Phong Chủ nhật, ngày 09/01/2022 09:10 AM (GMT+7)
"Thai-League là giải đấu tốt nhất Đông Nam Á vào thời điểm hiện tại, cũng bởi vậy tôi không nghĩ những cầu thủ muốn phát triển sự nghiệp hơn nữa sẽ coi V.League là bước tiếp theo" – chuyên gia bình luận bóng đá châu Á Gabirel Tan khẳng định.
Bình luận 0

Gabriel Tan là chuyên gia bình luận bóng đá châu Á nổi tiếng, từng có nhiều bài viết phân tích trên các chuyên trang nổi tiếng như ESPN, Fox Sports, Goal.com... Anh cũng là người có nhiều năm theo dõi và tìm hiểu về bóng đá Đông Nam Á, đồng thời có nhiều bài viết phân tích chất lượng về ĐT Việt Nam cũng như ĐT Thái Lan.

Mới đây, Gabriel Tan đã có cuộc trò chuyện cởi mở với PV Dân Việt về những khác biệt giữa hai nền bóng đá hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Chuyên gia bóng đá Châu Á của ESPN: "Cầu thủ Thái Lan không muốn sang V-League là điều dễ hiểu" - Ảnh 1.

Chuyên gia về bóng đá châu Á Gabriel Tan của ESPN. (Ảnh: NVCC).

AFF Cup 2020 đã trôi qua với chức vô địch của ĐT Thái Lan, cũng đồng nghĩa với việc ĐT Việt Nam phải ra về tay trắng. Anh đánh giá thế nào về thực lực hai đội bóng này sau giải đấu vừa qua?

- Tôi vẫn cho rằng cả hai đội đều rất mạnh, đặc biệt là trong khu vực ASEAN. Rõ ràng Việt Nam vẫn là đội Đông Nam Á duy nhất góp mặt ở lượt trận cuối cùng của vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Bởi vậy, việc họ không lọt sâu vào AFF Cup là điều đáng thất vọng, nhưng tôi không nghĩ đã đến lúc người hâm mộ Việt Nam phải lo lắng về kết quả này.

Tại AFF Cup, lối chơi của hai đội khá đồng đều, Thái Lan chỉ "nhỉnh" hơn Việt Nam bởi một cá nhân xuất sắc, có khả năng tạo đột biến như Chanathip Songkrasin.

- Không thể phủ nhận rằng nhiều cầu thủ Thái Lan trưởng thành từ Thai-League đã khẳng định được vị trí khi xuất ngoại. Chanathip Songkrasin (từng khoác áo Consadole Sapporo và vừa chuyển sang CLB Kawasaki Frontale) và Theerathon Bunmathan (từng chơi cho Yokohama Marinos, hiện đã hồi hương) là những điển hình. Trong khi đó, trừ Đặng Văn Lâm (từng chơi cho Muangthong United) có cơ hội thể hiện khả năng, các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại như Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Hậu, Xuân Trường... đều có rất ít cơ hội ra sân và thậm chí bị coi là các "hợp đồng thương mại". Anh đánh giá thế nào về điều này?

- Tôi cũng tin tưởng rằng việc đưa các cầu thủ xuất sắc nhất của Việt Nam tiếp xúc với môi trường bóng đá nước ngoài là điều vô cùng quan trọng. Đúng là những cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường và cả Văn Hậu khi ra nước ngoài thi đấu không mấy thành công, nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ khiến những người khác (hoặc thậm chí cả chính 3 cầu thủ đó) ngừng cố gắng.

Đã có rất nhiều lời bàn tán về tương lai của Quang Hải và Hoàng Đức, và tôi cho rằng hai người này chắc chắn đủ tốt để thi đấu thường xuyên ở một giải đấu cạnh tranh hơn. Ngay cả việc đến Thai-League trước như một bước đệm cũng hoàn toàn không phải là một ý kiến tồi.

Việc để Quang Hải và Hoàng Đức đá tại giải trong nước giống như việc chúng ta để con cá lớn sống trong ao nhỏ. Điều này có lẽ không hẳn nằm ở việc họ không có khát vọng, mà do có sự ràng buộc với các đội bóng trong nước. Họ đang bị các CLB giữ lại, khi mà họ mang lại giá trị cả ở trong sân cỏ, lẫn các hợp đồng đại diện ở phía ngoài sân. Tuy thế, đã đến lúc những đội bóng này nhìn ra bức tranh rộng lớn hơn và cho phép họ được "sổ lồng".

Chuyên gia bóng đá Châu Á của ESPN: "Cầu thủ Thái Lan không muốn sang V-League là điều dễ hiểu" - Ảnh 2.

Gabriel Tan cho rằng, đã đến lúc cho Hoàng Đức, Quang Hải "sổ lồng". (Ảnh: AFC)

Không ít người cho rằng, chính các cầu thủ Việt gần như "ngại" xuất ngoại nếu không được tạo điều kiện tốt nhất. Trong khi đó, các cầu thủ Thái Lan luôn tìm cơ hội ra nước ngoài chơi bóng để phát triển khả năng. Theo anh, đây có phải sự khác biệt về tư duy giữa 2 nền bóng đá?

- Đó đúng là điều đáng nói. Như bạn vừa đề cập, các cầu thủ Thái Lan bây giờ có tâm lý chỉ nên cố gắng và không ngại thất bại. Một người như Teerasil Dangda có thể không thành công ở Tây Ban Nha nhưng anh ấy sẽ học được rất nhiều điều khi chơi ở La Liga. Nhưng tôi nghĩ đã có những tấm gương như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu để cho thấy rằng không ít cầu thủ Việt Nam thực tế cũng rất muốn thử sức. Điều quan trọng là họ không được giảm động lực chỉ vì một hoặc hai trải nghiệm đáng thất vọng.

Giám đốc Diều hành của Thai-League là Benjamin Tan đang giúp Thai-League đạt được sự phát triển mạnh mẽ và có tính bền vững. Trong khi đó, không thể phủ nhận rằng V.League đang có dấu hiệu thụt lùi. Theo anh, đâu là nguyên nhân cốt lõi?

- Có một thực tế là Thai-League đã được tổ chức tốt trong rất nhiều năm, với cơ sở hạ tầng chất lượng. Các CLB tại đây cũng tuân thủ nghiêm ngặt Quy định Cấp phép Câu lạc bộ của Liên đoàn Bóng đá châu Á, giúp duy trì sự tiến bộ của họ trong thời gian dài. V.League cũng là một giải đấu rất hấp dẫn nhưng tương tự như các giải đấu khác trên khắp Đông Nam Á (kể cả Singapore hay Indonesia), nó vẫn còn rất nhiều điểm cần phải cải thiện.

LĐBĐ Thái Lan (FAT) đã có bước đột phá mạnh mẽ khi mời doanh nhân, tỷ phú Nualphan Lamsam (Madam Pang) làm trưởng đoàn của ĐT Thái Lan tại AFF Cup 2020. Trước đó, nữ tỷ phú này đã có đóng góp rất lớn với bóng đá nữ Thái Lan (được dự vòng chung kết World Cup nữ 2015, 2019) và tạo ra sức hút cực lớn. Theo anh, bóng đá Việt Nam có cần sự gắn kết lớn và đạt hiệu quả như vậy giữa doanh nghiệp và bóng đá?

- Tôi không nghĩ kết nối này luôn cần thiết nhưng chắc chắn nó sẽ tạo ra sự hữu ích. Chúng ta đều biết việc nhận được sự đầu tư tài chính quan trọng thế nào trong bóng đá và thực tế cho thấy một số câu lạc bộ hàng đầu tại Đông Nam Á hiện nay đều đang hưởng lợi nhờ sự đầu tư một cách bài bản từ doanh nghiệp. Johor Darul Ta'zim của Malaysia là một ví dụ điển hình của câu chuyện này. Trong khi tại Singapore, Lion City Sailors - sau khi trở thành CLB tư nhân hóa hoàn toàn đầu tiên tại Singapore Premier League – cũng đã đạt được thành công ngay lập tức.

Để đạt được thành quả, điều quan trọng không kém là các doanh nghiệp đầu tư thực sự quan tâm đến bóng đá, họ không chỉ làm điều đó để thu hút công chúng quan tâm tới doanh nghiệp của mình, mà còn vì mục đích giúp bóng đá phát triển.

Chuyên gia bóng đá Châu Á của ESPN: "Cầu thủ Thái Lan không muốn sang V-League là điều dễ hiểu" - Ảnh 3.

Chuyên gia của ESPN cho rằng ĐT Thái Lan vượt ĐT Việt Nam tại AFF Cup do sự xuất sắc của Chanathip Songkrasin. (Ảnh: AFC)

HLV Dusit Chalermsan, người khi còn là danh thủ đã chơi cho CLB HAGL và từng dẫn dắt Pathum United vô địch Thai-League khẳng định: Nếu được lựa chọn, cầu thủ Thái Lan hiện tại sẽ sang J-League, K-League hoặc đến châu Âu chứ không tới V.League chơi bóng. Anh nhận định thế nào về quan điểm này?

- Tôi hiểu suy nghĩ này. Với việc Thai-League là giải đấu tốt nhất Đông Nam Á vào thời điểm hiện tại, tôi không nghĩ những cầu thủ muốn phát triển sự nghiệp hơn nữa sẽ coi V.League (hay bất kỳ giải đấu nào khác ở Đông Nam Á) là bước tiếp theo.

Tuy nhiên, vẫn có thể có một số cầu thủ Thái Lan cân nhắc đến V. League, tôi cho rằng như vậy. Những cầu thủ giàu kinh nghiệm, nhưng không khoác áo ĐTQG vẫn có thể tạo ra nhiều đóng góp cho các CLB tại V.League. Theo cách tương tự, một cầu thủ châu Âu hoặc Nam Mỹ có phần kém nổi bật hơn tại quốc gia của họ vẫn đến Đông Nam Á và trở thành một cầu thủ ngôi sao trong các giải đấu ở đây.

Tựu chung lại, theo anh, bóng đá Việt Nam cần làm gì để có sự thay đổi?

- V.League cần phải tiếp tục cải thiện, trong khi các cầu thủ hàng đầu phải vươn xa sự nghiệp tại các giải đấu nước ngoài. Rõ ràng, bóng đá Việt Nam luôn có thể sản sinh ra những tài năng xuất sắc nên tôi nghĩ tầng lớp kế cận không phải là một nỗi lo lớn.

Việc để cầu thủ xuất sắc nhất ra nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho những cầu thủ trẻ bước lên và đảm nhận những vai trò quan trọng hơn ở V.League, qua đó, họ có thêm nhiều kinh nghiệm thi đấu. Tiếp đó, các giải đấu trẻ hơn cũng cần được đầu tư, đây là điều mà ngay cả ở Thái Lan, vẫn còn rất nhiều thứ phải cải thiện. Chúng ta đều thấy, tại những quốc gia có nền bóng đá phát triển nhất trên thế giới, luôn có các so tài giữa các đội U23, U19 và U17. Rõ ràng, bóng đá Đông Nam Á còn lâu mới đạt được điều đó.

Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam luôn là một trong những đội mạnh ở Đông Nam Á, nhưng để tiến xa hơn và hướng tới những mục tiêu cao hơn, còn nhiều điều mà bóng đá Việt Nam phải làm, chủ yếu xoay quanh việc cải thiện trình độ chơi bóng ở mọi khía cạnh, mọi cấp độ.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem