"Trung tâm đào tạo trẻ của ĐKVĐ Thái Lan chỉ bé bằng 1/2 Viettel, PVF"

Song Minh Thứ sáu, ngày 07/01/2022 19:10 PM (GMT+7)
Cựu tuyển thủ Việt Nam Đỗ Mạnh Dũng, người hiện là Giám đốc Trung tâm thể thao Viettel cho biết sự khác việt giữa nền bóng đá Thái Lan và Việt Nam chính là "chân đế" phát triển bóng đá chuyên nghiệp.
Bình luận 0

Tìm hiểu mô hình đào tạo trẻ của ĐKVĐ Thái Lan

Sau khi ĐT Việt Nam bị ĐT Thái Lan biến thành "cựu vương" AFF Cup 2020, "câu chuyện cũ" mà mới lại được đặt ra: Bóng đá Việt Nam phải khắc phục những hạn chế gì để đuổi kịp tốc độ phát triển của Thái Lan trong tương lai? 

Cựu tuyển thủ Đỗ Mạnh Dũng: "Sân cỏ của ĐKVĐ Thái Lan không bằng Viettel, PVF" - Ảnh 1.

Học viện YAMAOKA HANASAKA giúp các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Thái Lan thực hiện ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: NVCC

Là người đã cùng Viettel FC tới Thái Lan so tài tại vòng bảng AFC Champions League 2021 hồi cuối tháng 6 năm ngoái, Giám đốc Trung tâm thể thao Viettel Đỗ Mạnh Dũng chia sẻ cùng Dân Việt:

"Tại vòng bảng AFC Champions League, các đội bóng phải sinh hoạt theo nguyên tắc "bong bóng khép kín" nên chúng tôi chỉ có dịp thăm cơ sở vật chất của đội bóng chủ nhà ĐKVĐ Thái Lan BG Pathum United và Muangthong United.

Nói chung, về cơ sở hạ tầng, họ không bằng Viettel, PVF, diện tích chỉ bằng 1/2 so với chúng ta. Sự khắc biệt là ở Thái Lan, người ta dành sự quan tâm đặc biệt cho bóng đá cộng đồng, bóng đá phong trào, các giải trẻ, các trung tâm, học viện bóng đá... tạo "chân đế" rộng, cung cấp lực lượng cầu thủ dồi dào cho các CLB và ĐTQG".

Cựu tuyển thủ Đỗ Mạnh Dũng: "Sân cỏ của ĐKVĐ Thái Lan không bằng Viettel, PVF" - Ảnh 2.

Khuôn viên Trung tâm đào tạo trẻ của BG Pathum United chỉ bằng 1/2 so với Trung tâm thể thao Viettel. Ảnh: NVCC

Về mô hình đào tạo trẻ của BG Pathum United, cựu danh thủ Thể Công Đỗ Mạnh Dũng cung cấp thông tin mà anh tìm hiểu được: Năm 2009, Bangkok Glass (BGFC) thành lập Học viện bóng đá trẻ đầu tiên. Tại thời điểm đó, Học viện BGFC được nhìn nhận là một trong nhưng học viện hàng đầu tại Thái Lan. Học viên được tuyển chọn, huấn luyện để sẵn sàng trở thành một phần của đội 1 BG Pathum United.

Từ năm 2012 – 2015, BGFC lựa chọn hình thức liên kết với các trường học như Assumption College of Assumption Campus Rama 2 hoặc Thonburi University để phát triển các tài năng bóng đá trẻ và đã đạt được những thành tựu nhất định tại các giải trong khu vực.

Một bước tiến nữa của Học viện BGFC khi năm 2016, họ phối hợp với Tập đoàn Yanmar, CLB BG Pathum United và CLB J.League Cerezo Osaka thành lập Học viện YAMAOKA HANASAKA (YHA). Mục tiêu là tập trung phát triển kỹ năng bóng đá của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Thái Lan, giúp các em thực hiện ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

"Không thể chỉ trông chờ 1-2 CLB đào tạo trẻ"

Giám đốc Trung tâm thể thao Viettel Đỗ Mạnh Dũng cho rằng chỉ qua một ví dụ về hệ thống đào tạo, liên kết của BG Pathum United đã thấy phần nào "chân đế", về điều kiện phát triển bóng đá Thái Lan tốt và thuận lợi hơn nhiều so với Việt Nam. 

Cựu tuyển thủ Đỗ Mạnh Dũng: "Sân cỏ của ĐKVĐ Thái Lan không bằng Viettel, PVF" - Ảnh 3.

Giám đốc Trung tâm thể thao Viettel Đỗ Mạnh Dũng (phải) nhận định bóng đá Thái Lan có nền tảng, "chân đế" tốt hơn so với bóng đá Việt Nam. Ảnh: Viettel FC

"Bóng đá ở Thái Lan nhận được sự quan tâm đồng bộ từ toàn xã hội. Xem ĐT Thái Lan thi đấu AFF Cup 2020 vừa qua có thể thấy chiều sâu lực lượng, đội hình đồng đều của họ. Cần nhớ, để đào tạo ra một lứa cầu thủ mất ít nhất 10 năm và không thể chỉ trông chờ 1-2 CLB làm đào tạo trẻ. 14 CLB V.League và 13 đội hạng Nhất cùng phải đào tạo trẻ. Như ở Thái Lan, tôi được biết, các CLB của họ đều có học viện và trung tâm đào tạo trẻ theo tiêu chí của AFC.

Bóng đá Việt Nam cần có thêm những học viện bóng đá liên kết với các CLB danh tiếng của châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc", cựu tuyển thủ Đỗ Mạnh Dũng nói.

Với bóng đá phong trào, hiện nay ở Việt Nam rất thiếu sân chơi cho trẻ em: "Chúng ta phải tạo cơ chế, có sân chơi miễn phí, nuôi dưỡng đam mê cho các cháu.

Chứ như bây giờ các cháu không có sân chơi, muốn đi đá bóng vào sân cũng phải mất tiền, bố mẹ đi theo kèm. Tôi nghĩ, nếu không phát triển được bóng đá phong trào, bóng đá học đường, có lẽ còn lâu nền bóng đá Việt Nam mới theo kịp Thái Lan ở tốc độ phát triển ổn định, bền vững.

Đó là vấn đề tầm nhìn chiến lược của VFF, phải làm sao để chúng ta có nền tảng tốt, hỗ trợ tốt cho các CLB đào tạo trẻ, có một V.League chất lượng... thì ĐT Việt Nam mới có đủ lực lượng kế cận, chinh phục những mục tiêu cao hơn trong tương lai", Giám đốc Trung tâm thể thao Viettel Đỗ Mạnh Dũng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem