Chuyên gia chỉ đích danh 3 "hành động" kìm cương tỷ giá USD/VND, dự báo cả năm tăng 4,5%
Ông Trần Đức Anh Giám đốc Kinh tế Vĩ mô & Chiến lược thị trường (Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV) cho biết, tổ chức này đã hạ dự báo về việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất 1 lần trong năm này (thay vì 3 lần trong báo cáo trước đó) do lạm phát dai dẳng hơn dự tính.
Trong bối cảnh các NHTW lớn khác như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Canada, EU đã cắt giảm lãi suất, trong khi NHTW Nhật duy trì chính sách nới lỏng mạnh mẽ, việc Fed trì hoãn việc hạ lãi suất sẽ khiến chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD trong rổ tiền tệ) neo ở mức cao.
Kết hợp với mức chênh lệch lớn giữa lãi suất USD-VND, áp lực tỷ giá sẽ còn duy trì trong nửa cuối năm 2024.
Trên thực tế, tỷ giá liên ngân hàng USD/VND diễn biến căng thẳng khi liên tục áp sát và vượt ngưỡng bán ra của NHNN tại 25.450, tăng 4,9% so với đầu năm. Dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái can thiệp bằng cách bán thẳng ngoại tệ với khối lượng tương đối lớn (ước tính đã bán xấp xỉ 6 tỷ USD tính đến ngày 26/6), tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngay trong quý III này, theo ông Đức tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực.
Nguyên nhân, do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao; xu hướng để USD ở nước ngoài của các doanh nghiệp xuất khẩu và FDI; và DXY neo ở vùng cao trước diễn biến yếu đi của các đồng tiền khác.
Để đối phó với áp lực tỷ giá, dự kiến duy trì ít nhất đến giữa quý III/2024 (gần thời điểm Fed hạ lãi suất), các nhà phân tích KBSV cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ cả 3 giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục bán ngoại tệ.
Các chuyên gia đánh giá, đây là giải pháp đã được Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong khoảng 3 tháng trở lại đây. Mặc dù vậy, với ước tính hiện tại, dự trữ ngoại hối đã áp sát mức khuyến cáo của IMF tương đương 3 tháng nhập khẩu. Dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán dự trữ ngoại hối là không nhiều nếu không muốn ảnh hưởng đến tín nhiệm quốc gia. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ cần thực hiện đồng bộ thêm 2 giải pháp dưới đây để hạ nhiệt nhu cầu USD của thị trường.
Thứ hai, nâng lãi suất tiền đồng.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc nâng lãi suất OMO và tín phiếu với mức nâng lần lượt là 0,5 và 3,1 điểm % so với giai đoạn đầu năm 2024. Động thái này sẽ tiếp tục được thực hiện để duy trì mặt bằng lãi suất thị trường 2 cao tương đối, giảm tối đa các giao dịch đầu cơ tỷ giá, đồng thời tác động làm tăng lãi suất huy động ở mức độ phù hợp, qua đó tăng sự hấp dẫn của việc nắm giữ tiền đồng. \
Ba là, nâng giá bán USD.
Theo các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh mức độ mất giá tiền đồng vẫn đang ở mức trung bình thấp so với các đồng tiền trong khu vực, kết hợp với kỳ vọng lạm phát vẫn sẽ trong tầm kiểm soát trong các tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn có thể, và nhiều khả năng sẽ thực hiện việc nâng giá bán USD (đồng thời nâng tỷ giá trung tâm), chấp nhận để VND mất giá hơn mức 5% hiện tại.
Tuy nhiên, quý IV/2024 theo ông Đức tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt và dự báo cả năm tăng 4,5%, tương đương đạt 25.360 VND/USD.
"Điểm tích cực là nguồn ngoại tệ sẽ cải thiện trong quý IV khi mà xuất khẩu được đẩy mạnh, kiều hối đổ về, và đồng thời kỳ vọng vào việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ làm dịu bớt áp lực lên tỷ giá", các nhà phân tích đề cập.
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, khi Fed cắt giảm lãi suất, Việt Nam cũng không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá. USD sẽ giảm giá ít nhất từ nay đến năm 2027 và USD Index đi quanh ngưỡng 95-105 điểm và không còn tăng cao hơn nữa.