Chuyên gia: Dòng tiền đang đổ nhiều vào penny và smallcap, tạo ra sự lệch lạc

08/08/2023 19:20 GMT+7
Theo tính toán của Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, nếu loại bỏ nhóm cổ phiếu ngân hàng, P/E thị trường hiện tại là 21 lần. Con số này bằng thị trường giai đoạn có dòng tiền "nóng" vào quý I/2018.

Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS chia sẻ, so sánh các kênh đầu tư trong giai đoạn hiện tại, cổ phiếu đang là kênh hấp dẫn hơn cả.

Cổ phiếu đang là kênh hấp dẫn, tham gia thị trường rủi ro nhất định

Cụ thể, trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp, các kênh tiền gửi, tiết kiệm, trái phiếu… đều kém hấp dẫn. Với kênh đầu tư ngoại tệ và vàng, hiện tại biến động thị trường ở mức thấp, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách giữ tỷ giá ổn định, theo đó khả năng sinh lợi của các tài sản này không cao. Thị trường bất động sản vừa trải qua khủng hoảng, dòng tiền chưa có dấu hiệu trở lại khi lực cầu yếu.

"Các thị trường chứng khoán như Mỹ, Nhật Bản… và một số thị trường khác đều có đà tăng tích cực. Kênh cổ phiếu đang hấp dẫn hơn cả so với các kênh đầu tư khác", ông Khánh nói và cho biết thêm, tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục, theo đó thị trường chứng kiến dòng tiền tìm tới kênh tăng trưởng tốt hơn, nhất là chứng khoán.

"Diễn biến này là bình thường khi thị trường chứng khoán luôn phản ánh, đi trước nền kinh tế một bước", ông Khánh cho biết.

Chuyên gia: Dòng tiền đang đổ nhiều vào penny và smallcap, tạo ra sự lệch lạc - Ảnh 1.

Nguồn: NVCC

Còn thống kê của bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cũng cho thấy, thị trường chứng khoán tăng 23% trong 7 tháng đầu năm bất chấp lợi nhuận của các doanh nghiệp suy giảm 10% trong nửa đầu năm, và dự báo tăng trưởng của cả năm ở mức thấp, thậm chí không có tăng trưởng.

Theo tính toán của bà Nguyễn Hoài Phương P/E của thị trường 15-16 lần. Theo bà Phương, mức P/E này tiệm cận mức trung bình của Việt Nam trong nhiều năm, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp những năm đó tăng trưởng 15 - 20%. Do đó, nhà đầu tư tham gia thị trường thời điểm này sẽ có rủi ro nhất định.

Thậm chí, nếu loại bỏ nhóm cổ phiếu ngân hàng, P/E thị trường hiện tại là 21 lần. Con số này bằng thị trường giai đoạn quý I/2018, tức là lúc có dòng tiền "nóng".

"Dòng tiền đang đổ nhiều vào penny và smallcap, tạo ra sự lệch lạc", bà Phương đánh giá.

Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cũng cho biết, trong từng giai đoạn thị trường, định giá của từng doanh nghiệp trong cùng một ngành cũng có sự khác nhau.

Vị này dẫn chứng: Như năm 2021, nhóm cổ phiếu chứng khoán đều được định giá lại do công ty chứng khoán đạt lợi nhuận cao. Tuy nhiên, năm 2018, khi thị trường tăng nhiều, chỉ có 2 công ty chứng khoán lớn chuyên về mảng khách hàng nước ngoài có định giá cao. Hay với cổ phiếu FPT, năm 2018, khi VN30 tăng "nóng", FPT được định giá P/E là 9 - 10 lần, nhưng từ năm 2020 đã có định giá lại nhờ FPT đạt tăng trưởng lợi nhuận cao trong 5 năm qua, khiến PE cổ phiếu này tăng lên 15 lần.

Do đó, bà Phương cho rằng, cần đánh giá dựa trên những nội dung như vậy để chọn lọc cổ phiếu. Bên cạnh đó, cần quản trị tốt rủi ro, hành động linh hoạt theo biến động của thị trường.

Chuyên gia: Dòng tiền đang đổ nhiều vào penny và smallcap, tạo ra sự lệch lạc - Ảnh 2.

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức ngày 8/8/2023.

Ở góc nhìn khác về thị trường thời gian qua, bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt chỉ ra sự phân hóa lớn giữa hệ số P/E các nhóm ngành. Trong đó, ở khá nhiều cổ phiếu, P/E vượt qua vùng giao dịch thường xuyên 3 năm gần nhất.

Theo bà Lam, nhà đầu tư đang trả thêm cho kỳ vọng tương lai về tăng trưởng lợi nhuận, đặc biệt sau khi các cơ quan ban ngành đưa ra chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu chính sách không "thẩm thấu" và cho kết quả tương ứng với kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ có sự điều chỉnh P/E ngược trở lại.

Trong khi đó, nhóm ngành có P/E tương đối rẻ, như ngành ngân hàng, dịch vụ phần mềm, dược, tiện ích công cộng, duy trì được mức tăng trưởng dương nhiều quý liên tiếp trong bối cảnh nhiều ngành tăng trưởng âm cũng như chưa vượt P/E 3 năm gần nhất có thể là những nhóm ngành tiềm năng.

Đâu là cách thức tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lợi với kênh cổ phiếu?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, cơ hội không nằm ở doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, mà cơ hội tốt nằm ở doanh nghiệp đang từ vùng đáy phục hồi đi lên.

Ông Khánh nói: Tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận là yếu tố cần quan tâm, nhưng nhà đầu tư phải nhìn vào chu kỳ, từ vùng đáy đi lên, nhóm nào sẽ vận động tốt hơn. Thị trường luôn có sự vận động như nhóm đầu cơ dẫn sóng, nhóm blue chip giúp tăng điểm… đó là đặc điểm riêng của từng nhóm cổ phiếu. Chẳng hạn, giai đoạn tháng 4/2020 tới cuối năm 2021, vào nhịp hồi phục, tạo đáy sau Covid, nhóm đầu tư công, ngân hàng, sản xuất thực phẩm dẫn đầu, tiếp theo là nhóm bất động sản, bank - chứng – thép, cuối sóng có dầu khí,…

"Từ nay tới cuối năm, nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu có định giá thấp, ưu tiên chốt lời cổ phiếu đã tăng nóng, quản lý danh mục linh hoạt và phân bổ tỷ trọng cổ phiếu phù hợp theo nhóm. Các nhóm cổ phiếu được dự báo có tiềm năng tăng trưởng bao gồm nhóm xây lắp và vật liệu xây dựng, nhóm dầu khí, công nghệ, bán lẻ và nhóm tiện ích", ông Khánh khuyến nghị.


H.Anh
Cùng chuyên mục