Lạng Sơn: Sắp có các mô hình chăn nuôi, trồng trọt giúp dân làm giàu

24/10/2020 13:30 GMT+7
Khuyến nông Lạng Sơn sẽ xây dựng 13 mô hình trồng trọt, 9 mô hình chăn nuôi, 5 mô hình nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa, 3 mô hình phát triển lâm nghiệp; Tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho các lượt cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở...

Vừa qua UBND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định số 2119/QĐ-UBND). Cụ thể theo quyết định, chương trình khuyến nông đã đưa ra một số mục tiêu như sau: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.

Trong đó xây dựng 13 mô hình trồng trọt, 09 mô hình chăn nuôi, 05 mô hình nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa, 03 mô hình phát triển lâm nghiệp; Tổ chức đào tạo tập huấn 20 lớp nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho 700 lượt cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở, nông dân chủ chốt, thành viên HTX... ; tổ chức chương trình tuyên truyền khuyến nông phiên chợ tại 20 điểm chợ cụm, chợ trung tâm trên địa bàn các huyện để chuyển giao, tư vấn giải đáp những vướng mắc trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. 

Lạng Sơn: Chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ nông dân chăn nuôi, trồng trọt - Ảnh 1.

Nhiều mô hình chăn nuôi vỗ béo trâu bò được triển khai tại huyện Bắc Sơn.

Trước đây, đồng bào dân tộc vùng cao ở Lạng Sơn nói chung, cũng như xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn nói riêng, thường sản xuất ở xa khu dân cư, tập quán canh tác còn lạc hậu. Việc chăn nuôi gia súc chủ yếu là thả rông trong núi nên hiệu quả kinh tế không cao, bệnh dịch dễ phát sinh và lây lan trên diện rộng… 

Để giúp đồng bào khắc phục tình trạng này, từ năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện mô hình “Chăn nuôi vỗ béo trâu” tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn. Với sự nhiệt tình của cán bộ khuyến nông đi sâu, đi sát, hướng dẫn cụ thể kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đến nay mô hình đã thu được nhiều kết quả tích cực. Bà con đã biết làm chuồng, chăn nuôi trâu tập trung; trồng cỏ, chế biến thức ăn để vỗ béo trâu và phòng, trị các loại bệnh thường gặp. 

Anh Phan Văn Thám ở thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng cho biết, trước đây, bình quân mỗi lứa, gia đình tôi chỉ nuôi 2 con trâu. Do thả rông trong núi nên trâu sinh trưởng chậm, thường phải mất một năm mới được xuất bán. Tham gia mô hình chăn nuôi vỗ béo trâu, hiện nay mỗi năm, gia đình tôi nuôi 2 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 con. Sau khi trừ chi phí, thu nhập từ tiền bán trâu còn khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm, hiệu quả hơn nhiều so với cách chăn nuôi trước đây. 

Lạng Sơn: Chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ nông dân chăn nuôi, trồng trọt - Ảnh 2.

Nhờ được tập huấn, tuyên truyền chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, người dân có kiến thức áp dụng vào sản xuất tăng thu nhập.

Từ nhiều năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện được nhiều dự án, mô hình khuyến nông. Trong đó, có nhiều dự án, mô hình được người dân duy trì và phát triển tốt như: Thâm canh cây hồi bền vững; trồng giống lúa thuần chất lượng cao; trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học; sản xuất rau an toàn; vỗ béo bò thịt; chăn nuôi gà J-Dabaco; mô hình vỗ béo trâu…

Bên cạnh đó, Trung tâm còn mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con. Trung bình mỗi năm, Trung tâm phối hợp tổ chức khoảng 1.000 lớp, nhóm tập huấn với sự tham gia của khoảng 40.000 lượt người. Nhờ các giải pháp thiết thực, cụ thể kết hợp với cách thức truyền đạt dễ hiểu nên từ các mô hình khuyến nông, đồng bào vùng cao ở Lạng Sơn đã dần thay đổi phương thức sản xuất, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn để duy trì và mở rộng mô hình kinh tế.

Mộc Trà
Cùng chuyên mục