Cố đô Tràng An của Trung Quốc và tham vọng lột xác thành "thung lũng Silicon thứ hai" như Thâm Quyến

03/04/2021 08:25 GMT+7
Khi căng thẳng Mỹ - Trung gây sức ép buộc Bắc Kinh xây dựng ngành công nghệ trình độ cao của riêng mình, các địa phương đang đối diện với những thách thức lớn.

Trong 4 thập kỷ qua, chính sách thân thiện với doanh nghiệp mà chính phủ Bắc Kinh thực hiện ở Thâm Quyến đã giúp biến thành phố miền Nam đại lục trở thành “thung lũng Silicon của Trung Quốc”, nơi đặt trụ sở những gã khổng lồ công nghệ như Tencent, Huawei.

Nhưng để các địa phương khác học tập câu chuyện thành công của Thâm Quyến là điều không dễ dàng. Trong khi đó, sự cấp thiết về khả năng tự cung tự cấp công nghệ ngày càng tăng trong tham vọng của Bắc Kinh, nhất là với kế hoạch 5 năm vừa được chính quyền ông Tập Cận Bình công bố hồi tháng trước.

Cố đô Tràng An của Trung Quốc và tham vọng lột xác thành "thung lũng Silicon thứ hai" như Thâm Quyến - Ảnh 1.

Cố đô Tràng An của Trung Quốc và tham vọng lột xác thành "thung lũng Silicon thứ hai" như Thâm Quyến

Các Thâm Quyến khoảng 5 giờ bay về phía Bắc, thành phố Tây An có nhiều yếu tố phù hợp với tham vọng xây dựng một “thung lũng Silicon” thứ hai ở Trung Quốc. Nơi đây có nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, nhà máy sản xuất chip, công ty hàng không vũ trụ và cả các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều ngành công nghệ cao khác. Đó là chưa kể đến nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường học tại địa phương cũng như dòng vốn FDI đổ vào ngày một tăng. Cả gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung và nhà sản xuất chip Micron của Mỹ đều có hoạt động tại Tây An. Đây cũng là thành phố lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất Trung Quốc vào năm ngoái.

Quan chức hàng đầu Tây An, ông Li Mingyuan cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước đổi mới công nghệ nằm ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong danh sách phát triển của Tây An nhằm đáp ứng kế hoạch 5 năm mà Bắc Kinh đặt ra. Theo ông Li, cho đến năm 2025, Tây An đặt mục tiêu đưa sản lượng trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến vượt mốc 1 nghìn tỷ NDT (153,85 tỷ USD) với hơn 10.000 doanh nghiệp công nghệ cao, nâng quy mô GDP địa phương vượt 1,4 nghìn tỷ NDT. Tham vọng này tương đương mức tăng trưởng 40% với GDP Tây An năm 2020.

Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng Tây An sẽ đối diện với nhiều thách thức lớn trên hành trình thực hiện tham vọng này.

Sự khác biệt lớn nhất giữa Thâm Quyến và Tây An là các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Thâm Quyến trong khi ở Tây An, chính phủ vẫn đóng vai trò quá lớn. Đó là nhận định của ông Qu Jian, Phó giám đốc Viện phát triển Trung Quốc có trụ sở tại Thâm Quyến. “Nếu Tây An muốn đi theo con đường của Thâm Quyến, thị trường cần đóng một vai trò lớn hơn”.

So sánh sơ bộ về các doanh nghiệp hoạt động tại hai thành phố Tây An và Thâm Quyến được niêm yết trên thị trường đại lục cho thấy sự khác biệt rõ rệt về vai trò của chính phủ. Theo dữ liệu từ Wind Information, chỉ có 1/3 trong số khoảng 40 cổ phiếu có trụ sở tại Tây An đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi tại Thâm Quyến, có tới 2/3 trong số khoảng hơn 300 cổ phiếu do lĩnh vực tư nhân điều hành.

Thêm vào đó, ông Perry Wong, giám đốc điều hành nghiên cứu tại Viện Milken nhận định Tây An còn phải đối mặt với những hạn chế nhất định về mặt vật lý với việc mở rộng đô thị, do thành phố này xưa kia là Tràng An - một trong tứ đại cố đô mang ý nghĩa lịch sử quan trọng của Trung Quốc. Ông Perry Wong đặt kỳ vọng nhiều hơn ở tiềm năng của khu đô thị Thành Đô - Trùng Khánh phía tây nam đất nước trong việc chuyển mình thành trung tâm đổi mới công nghệ tiếp theo của đại lục.

Ông Wong chỉ ra rằng Thâm Quyến được hưởng mức độ ưu đãi và tự do chính sách lớn hơn bất kỳ thành phố nào ở đại lục. Thêm nữa, một lợi ích khác mà Thâm Quyến có được là vị trí địa lý gần gũi với Hong Kong, khu tự trị với những tiêu chuẩn kinh doanh quốc tế mở hơn so với đại lục. Nhiều công ty Hong Kong đã lựa chọn hợp tác nhiều hơn với đại lục, và Thâm Quyến là một lựa chọn tất yếu.


NTTD
Cùng chuyên mục