Có nên tiếp tục đóng băng tiền mặt và viện trợ cho Afghanistan: Các nhà lập pháp Mỹ tranh cãi
Trong khi một số nhà hoạch định chính sách chỉ ra rằng việc đóng băng viện trợ quốc tế có thể gây nên thảm kịch với người Afghanistan, thì nhóm nhà lập pháp bảo thủ lại kêu gọi không nên từ bỏ việc gây sức ép tài chính với lực lượng Taliban.
Cuộc tranh luận có khả năng ảnh hưởng lớn đến chính sách của nhiều tổ chức và quốc gia với Afghanistan, bởi cho đến nay, Mỹ đóng vai trò như “người gác cổng” của hệ thống tài chính toàn cầu. Thách thức chính là nền kinh tế Afghanistan phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp cận nguồn ngoại tệ và viện trợ quốc tế. Theo World Bank, các khoản viện trợ quốc tế chiếm tới 75% chi tiêu công của Afghanistan. Nhưng hầu hết các khoản này đã bị chặn kể từ khi Taliban tiến vào Kabul.
Trong số 9 tỷ USD dự trữ quốc tế mà Ngân hàng Trung ương Afghanistan nắm giữ, có 7 tỷ USD vàng và tiền mặt được giữ tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ngay khi Taliban tiến vào Kabul, Washington đã tuyên bố cắt quyền tiếp cận của Ngân hàng Trung Ương Afghanistan với 7 tỷ USD này. Trước áp lực của Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đóng băng 460 triệu USD đáng lẽ được phân bổ đến Afghanistan hồi tháng trước. World Bank sau đó cũng đóng băng hỗ trợ tài chính cho Afghanistan.
Elizabeth Threlkeld, một thành viên cấp cao và là Phó giám đốc Chương trình Nam Á tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Washington nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng tiền mặt ập đến với Afghanistan vào thời điểm mà nước này ít có khả năng chi trả nhất. Đây là thách thức lớn đối với chính phủ Taliban trong tương lai, cũng như là tranh cãi lớn với các nhà hoạch định chính sách Washington”.
Cắt đứt khả năng tiếp cận của Afghanistan với nguồn viện trợ nước ngoài và dự trữ ngoại hối là "con dao hai lưỡi", bởi bất kỳ đòn giáng nào của Washington với Taliban cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền người dân Afghanistan” ở thời điểm bất ổn xã hội như hiện tại.
Bộ Tài chính Mỹ đã báo hiệu rằng các khoản viện trợ có thể sẽ tiếp tục được nối lại với Afghanistan chừng nào các biện pháp trừng phạt chống lại Taliban được miễn trừ. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ tỏ ra không đồng tình. "Taliban là Nhóm Khủng bố Toàn cầu được Chỉ định Đặc biệt (SDGT) kể từ năm 2002", một nhóm nghị sĩ Dân chủ do Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (bang California) dẫn đầu khẳng định trong một thông điệp gửi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hồi tuần trước. “Giờ đây, với việc Taliban tiếp quản chính quyền ở Afghanistan, các hạn chế pháp lý đi kèm với Chỉ định này đang tác động trực tiếp đến lĩnh vực nhân đạo, đồng thời cản trở các khoản viện trợ sống còn đến người dân Afghanistan trong thời điểm quan trọng này”.
Ngược lại với đảng Dân chủ, các nhà lập pháp bảo thủ của Đảng Cộng hòa tuần trước đã kêu gọi chính quyền không thực hiện bất kỳ động thái nới lỏng nào về việc đóng băng tài chính với Afghanistan. “Chúng ta có thể thảo luận để thiết lập các biện pháp thay thế hỗ trợ người dân Afghanistan, nhưng chúng ta không thể cung cấp bất kỳ nguồn lực nào để hỗ trợ cho chế độ của Taliban” - hai nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Rob Portman viết trong một bức thư gửi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì cho rằng Taliban cần đạt được sự công nhận quốc tế thông qua các hành động của lực lượng này, một điều mà ông nhận định sẽ không sớm diễn ra.
Không riêng Mỹ, các quốc gia lớn trên thế giới cũng đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề Afghanistan. Tại Nga, Moscow bày tỏ sự phản đối việc đóng băng viện trợ cho Afghanistan bởi lo ngại sức ép kinh tế sẽ khiến Taliban ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn tiền từ hoạt động buôn bán ma túy. Một báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 6 chỉ ra rằng nguồn tài trợ chính của Taliban hiện đến từ các hoạt động như buôn bán ma túy, sản xuất thuốc phiện, bắt cóc để đòi tiền chuộc, khai thác khoáng sản và thu thuế ở các khu vực do Taliban kiểm soát hoặc ảnh hưởng. Thu nhập ước tính từ các hoạt động này lên tới 1,6 tỷ USD mỗi năm.