Châu Âu lo khủng hoảng tị nạn năm 2015 lặp lại khi người Afghanistan bỏ xứ
Các quốc gia Liên minh châu Âu EU đang lo ngại một cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 - khi cuộc nội chiến Syria khơi mào cho cuộc di cư của hơn 1 triệu dân sang EU - có thể lặp lại khi lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan.
Liên Hợp Quốc trước đó cảnh báo rằng có khoảng 500.000 người Afghanistan có nguy cơ rời bỏ quê hương vào cuối năm nay. Lường trước một làn sóng di cư quy mô lớn, EU cho hay họ đã chuẩn bị tốt hơn thời điểm 6 năm trước, khi 1,3 triệu người Syria muốn tị nạn trong khối này.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas trả lời trên nhật báo Áo Wiener Zeitung cuối tuần trước: “Đúng là chúng ta đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn. Mặc dù EU không phải nguyên nhân gây ra khủng hoảng, nhưng một lần nữa, EU lại được nhắc tới như một phần của giải pháp giải quyết khủng hoảng”.
Ông Margaritis Schinas cho hay châu Âu cần cảnh giác trước nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng năm 2015, cũng như cần lường trước những tình huống có thể xảy ra. Theo ông Schinas, đã đến lúc “cần thống nhất chính sách tị nạn và di cư chung của toàn châu Âu”.
Cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015 là một tấm gương cho thấy sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên EU về chính sách nhập cư có khả năng trở nên gay gắt hơn. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao và Nhập cư Luxembourg Jean Asselborn đã phản đối việc Áo từ chối tiếp nhận người Afghanistan, đồng thời yêu cầu các cam kết hỗ trợ nhiều hơn với người nhập cư. Tuy nhiên, động thái này ngay lập tức nhận về sự chỉ trích của Berlin và Vienna.
Chưa kể tới, hai quốc gia quyền lực nhất EU là Đức và Pháp cũng đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử Thủ tướng và Tổng thống mới. Vấn đề người tị nạn Afghanistan chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến các cuộc bầu cử này. Tại Đức, Armin Laschet, ứng cử viên Liên minh Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo - người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel tuần trước đã cảnh báo không thể lặp lại cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.
Ông Schinas đã nhấn mạnh rằng có sự khác biệt rõ rệt và không thể hòa giải về quan điểm của các quốc gia thành viên với nhóm người di cư từ Syria trong quá khứ cũng như Afghanistan ở hiện tại. Chẳng hạn, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, một đồng minh của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan điểm rất khác khi nhấn mạnh rằng những người di cư khỏi Afghanistan phải ở lại các nước láng giềng càng xa châu Âu càng tốt. Trong khi đó, Brussels sẽ chỉ gửi hỗ trợ đến các nước đó chứ “không mang rắc rối” về EU.
Orban không phải là chính trị gia châu Âu duy nhất có quan điểm như vậy. Dù khẳng định Rome và các thủ đô khác của châu Âu muốn giúp các nước láng giềng của Afghanistan xử lý dòng người tị nạn nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio khẳng định: “Chúng ta phải kiểm soát nguy cơ xảy ra cuộc di cư ồ ạt sang châu Âu. Chúng ta phải tránh nguy cơ này bằng mọi giá”.
Dù vậy, nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 được nhận định là không lớn.
Jan Egeland, tổng thư ký của Hội đồng Người tị nạn Na Uy nói với Nikkei Asia rằng những lo ngại ở Brussels về một lượng lớn người Afghanistan di cư đến châu Âu là “không nhất định” sẽ xảy ra. “Cứ 10 người Afghanistan rời quê hương trong vòng 4 thập kỷ qua thì có 9 người đang trú ẩn ở Iran và Pakistan. Chúng tôi cho rằng mô hình lịch sử này sẽ tiếp tục. Bao nhiêu người sẽ từ bỏ Afghanistan và rời đi sẽ phụ thuộc vào sự cai trị của Taliban cũng như việc xung đột có tiếp diễn hay không, viện trợ nhân đạo có đủ hỗ trợ người dân hay không, hệ thống dịch vụ công như trường học hay trung tâm chăm sóc sức khỏe có được duy trì hay không”.