Cổ phiếu doanh nghiệp lâu đời trong ngành lắp đặt máy móc bị hạn chế giao dịch

04/06/2024 17:17 GMT+7
Từ ngày đưa vào diện hạn chế giao dịch 5/6/2024, cổ phiếu của Lilama 69-2 (L62) chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Cổ phiếu rớt đáy, nợ ngập đầu

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa có Quyết định đưa vào diện hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu L62 của Công ty CP Lilama 69-2. Cụ thể, cơ sở xem xét được đựa trên báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán, và Quyết định số 418/QĐ-SGDHN ngày 25/4/2024 của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc hủy bỏ niêm yết cổ phiếu bắt buộc.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Lilama 69-2 bị hủy niêm yết bắt buộc do bị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2023, đồng thời có vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính 2023. Như vậy, từ ngày đưa vào diện hạn chế giao dịch 5/6/2024, cổ phiếu của Lilama 69-2 chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Cổ phiếu doanh nghiệp lâu đời trong ngành lắp đặt máy móc bị hạn chế giao dịch- Ảnh 1.

Quyết định đưa vào diện hạn chế giao dịch đối với cố phiếu L62. Ảnh chụp màn hình.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội yêu cầu Công ty CP Lilama 69-2 phải gửi văn bản giải trình nguyên nhân, đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị hạn chế giao dịch trong 15 ngày kể từ ngày bị hạn chế.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV (2019 – 2024) của HĐQT cho biết, giai đoạn này lực lượng lao động của doanh nghiệp giảm hơn 80% so với đầu nhiệm kỳ. Phải đối mặt với hàng loạt vấn đề đề như thiếu đơn hàng dẫn đến không đủ việc làm cho người lao động, nợ đọng từ các chủ đầu tư, bên cạnh đó là khó khăn về tình hình tài chính khi các món nợ tại ngân hàng quá hạn thanh toán, công ty phải chịu nợ quá hạn trong suốt năm 2023 dẫn tới chi phí tài chính tăng cao, số lỗ lũy kế lên đến 137 tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ 2019 đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu giảm đều đặn và rơi xuống con số âm 31 tỷ đồng trong năm vừa qua. Ngoài nợ quá hạn tại ngân hàng, tính đến 31/12/2023, số nợ thuế và Bảo hiểm xã hội lần lượt là 31,2 tỷ đồng và 18,9 tỷ đồng.

Báo cáo của Lilama 69-2 cho thấy suốt nhiệm kỳ, giá cổ phiếu L62 luôn dưới mệnh giá, và đến nay đã ở mức thấp nhất với chưa đầy 2.000 đồng trên mỗi cổ phiếu.

Liệu có kịp tái cấu trúc?

Trong những nỗ lực cứu vãn tình hình, cuối năm 2023, L26 đặt ra kỳ vọng trong năm 2024 sẽ tái cấu trúc thành công các món nợ ngân hàng, kết hợp với bên mua bán nợ là Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) để tham vấn quản trị công ty. Về sản xuất kinh doanh. Lilama 69-2 đặt chỉ tiêu đạt doanh thu 70 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay Quý 1/2024 kết quả kinh doanh của Lilama 69-2 không cho thấy dấu hiệu phục hồi. Lợi nhuận sau thuế trong Quý 1 của doanh nghiệp này là âm 14,2 tỷ đồng, giảm... 20.549% so với Quý 1/2023. 

Cổ phiếu doanh nghiệp lâu đời trong ngành lắp đặt máy móc bị hạn chế giao dịch- Ảnh 2.

Quý 1/2024, Lilama 69-2 lỗ 14,2 tỷ đồng. Ảnh chụp màn hình.

Giải trình nguyên nhân, Chủ tịch HĐQT Lilama 69-2 Vũ Kế Chương cho biết do công ty gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí lãi vay tăng cao do nợ quá hạn dẫn đến lợi nhuận sau thuế của quý 1/2024 thay đổi trên 10% so với Quý 1/2023.

Công ty CP Lilama 69-2 được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước tiền thân là Công ty lắp máy và xây dựng 69-2. Doanh nghiệp có trụ sở chính tại quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng với mức vốn điều lệ là 69-2 là 83 tỷ đồng.

Vũ Khoa
Cùng chuyên mục